Tiểu sử Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải: Người luôn coi câu ca quan họ là niềm tin, lẽ sống của cuộc đời mình

Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng từng nhận xét rằng: “Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải như một bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép”. Thật vậy, đến nay, dù đã gần 70 tuổi nhưng từ sâu trong tâm khảm Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Cải vẫn cháy mãi một niềm thiết tha: Giai điệu quan họ mà bà luôn tự hào sẽ được lan tỏa, trường tồn với thời gian.

Nghề chọn người

NSND Thúy Cải là người con của xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngay từ khi còn nhỏ, Thúy Cải vô cùng mong chờ những buổi mẹ dạy mình hát những bài quan họ giọng vặt như: “Khách đến chơi nhà”, “Cây trúc xinh”, “Người ở đừng về”, “Ba sáu thứ chim”, “Lý Thiên Thai“… Nghệ sĩ Thúy Cải đã sống trong sự ấm áp, chan hòa tình yêu quê hương đất nước của câu dân ca quan họ như thế đấy.

Với niềm yêu thích quan họ ngay từ khi tấm bé, năm 16 tuổi, Thúy Cải quyết tâm rời xa vòng tay của gia đình để gia nhập Đội ca hát quan họ tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Không chỉ là cất lên lời ca tiếng hát, trọng trách của cả đội còn là bảo tồn, giữ gìn bản sắc của làn điệu quê hương. Thời gian đầu, cơ sở vật chất, điều kiện nhân lực còn nhiều thiếu thốn. Nhưng, vượt mọi gian nan, Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc vẫn hình thành và đi vào hoạt động bằng tất cả lòng yêu nghề, sự vun đắp, nhiệt huyết, cố gắng của Thúy Cải và các thành viên.

Đôi nét về Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải

Họ và tên: Nguyễn Thúy Cải

Ngày sinh: 20/08/1953

Nghề nghiệp: Ca sĩ

Lĩnh vực: Quan họ

Năm hoạt động: 1969 – 2008

Giải thưởng:

  • Nghệ sĩ ưu tú: Đợt 1 (1988)
  • Nghệ sĩ nhân dân: Đợt 8 (2015)
NSND Thúy Cải 1
Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải

Một tình yêu nghề kiên trì và bền bỉ

NSND Thúy Cải đã ở lại vùng quan họ gốc để sưu tầm, học hỏi những làn điệu dân ca quan họ cổ. Nhưng có một thực tế là quan họ truyền thống khi ấy không còn mấy ai hát. Thời buổi kinh tế khó khăn – nhất là sau trận lụt lớn năm 1971, người dân lo làm lo ăn đầu tắt mặt tối còn chẳng đủ, thì thời gian đâu nghĩ đến việc hát quan họ…

Ấy vậy mà Thúy Cải vẫn nỗ lực, ban ngày thì làm lụng, tối về có thời gian mời tìm đến các nghệ nhân để xin được truyền lại các lề lối sinh hoạt, làn điệu, văn bản mà các liền anh liền chị thế hệ đầu còn lưu giữ. Cảm động trước tấm chân tình của Thúy Cải dành cho quan họ, những nghệ nhân quan họ nào biết được đến đâu thì đều truyền dạy cho Thúy Cải đến đó. 200 làn điệu quan họ và hơn 500 bài ca quan họ cùng những lề lối sinh hoạt chính là thành quả mà Thúy Cải đã sưu tầm, gìn giữ được cho đến ngày hôm nay!

Và cũng chính trong bối cảnh làng quan họ chìm trong biển nước này, hai tác phẩm “Khóm trúc bên sông”“Đống rạ ải” của Thúy Cải ra đời để bày tỏ sự xót xa trước thực trạng mà quê hương mình không may gặp phải, đồng thời cổ vũ công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Nhà nước.

Quan họ chính là lý tưởng sống của bà

Năm 1974, Đoàn Dân ca Quan họ Hà Bắc đã thành công trong việc thể hiện bản sắc, những giá trị riêng biệt của nghệ thuật truyền thống nói chung và quan họ nói riêng trước mặt đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan văn hóa. Cũng trong năm này, bộ phim “Đến hẹn lại lên” (Thúy Cải có một vai diễn trong đó) được phát sóng. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình, “tái sinh” của quan họ Bắc Ninh.

Việc bảo tồn quan họ đang khởi sắc, thì sau đó không lâu, nhận nhiệm vụ từ Tổ quốc, Thúy Cải và các nghệ sĩ trong đoàn lại hành quân ra biên giới phía Bắc. Dù bom rơi đạn lạc, NSND Thúy Cải vẫn dùng lời ca, tiếng hát để cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, ca ngợi tình quân dân và vẽ nên viễn cảnh đại thắng không xa của sự nghiệp dựng xây và bảo vệ nước nhà!

Dành cả cuộc đời vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca quan họ

Đã 12 năm Thúy Cải đảm nhận cương vị Trưởng đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Không một nhiệm kỳ nào mà bà lại không được các thành viên tín nhiệm, tin yêu. Bà không chỉ cố gắng để các anh em chị trong đoàn có thể sống tốt với nghề; mà còn chú tâm đứng lớp đào tạo thế hệ trẻ – những người đam mê quan họ để trong tương lai, lớp trẻ có thể tiếp tục ước mơ cả cuộc đời bà: Gìn giữ, bảo tồn và phát huy câu ca quan họ.

Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải

“Các bạn hãy vì nghệ thuật mà lao động, sáng tạo để xứng đáng với những giá trị văn hóa quan họ mà người xưa để lại”.
Bà chính là huyền thoại của quan họ

Với những đóng góp to lớn cho dân ca quan họ, cho nghệ thuật truyền thống nước nhà, bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015.

Tác giả Thịnh An

“Sự chuyên nghiệp của nghề báo nên là việc nói cho công chúng, họ cần biết gì, chứ không phải điều họ muốn biết.” – Walter Cronkite
Cảm ơn Quý độc giả đã đón đọc bài viết để tiếp bước, để đồng hành
cùng Người Nổi Tiếng.

Đạo diễn Lê Hoàng: ‘Cho người xem những gì họ cần chứ không phải những gì chúng ta có’

Tay trắng khởi nghiệp, 9X thành công nhờ kinh doanh thị trường ngách