(Nghesiviet.info) – Trong một dàn nhạc, trống hay bộ gõ chỉ là một nhạc cụ dùng để giữ nhịp cho cả bản nhạc. Nhưng với ‘phù thủy bộ gõ’ Trần Xuân Hòa, nó chứa đựng nhiều cảm xúc hơn thế. Đó là tinh hoa, ánh sáng và là linh hồn dân tộc được thể hiện dưới bàn tay tài hoa của một người nghệ sĩ.
Trần Xuân Hòa sinh năm 1980 tại Nam Định. Sở hữu hình dáng cao to, lực lưỡng, vẻ ngoài khá hầm hố với mái tóc bờm sư tử rất Nam Mỹ, nhưng ẩn sâu bên trong một vóc dáng có phần dữ tợn ấy là một tâm hồn rất thi sĩ. Bàn tay khéo léo như thổi hồn vào từng nhạc cụ, anh có nó sức mạnh tung hoành ngang dọc khắp dân gian.
Tất cả bắt đầu từ một cuộc gọi
Xuân Hòa là học viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh lựa chọn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam để biểu diễn với tư cách là một tay trống trong ban nhạc. Sau này, Hòa được nâng lên làm bè trưởng bộ gõ. Mọi thứ cứ như thế trôi qua lặng lẽ cho đến khi chuyến du học Singapore kết thúc…
Bấy giờ, nhạc sĩ Phạm Hồng Hải đã gọi vào và động viên Hòa phải làm một chương trình riêng đi. Nhớ lại những ngày ấy, nghệ sĩ Trần Xuân Hòa nói: “Nếu không có lời khuyến khích đó thì tôi mãi mãi chỉ là người đánh trống bình thường”.
Hành trình mang bộ gõ trở thành nhạc cụ độc tấu lắm gian nan và thử thách
Sứ mệnh đến với âm nhạc của Trần Xuân Hòa chỉ đơn giản là gói gọn trong một câu nói: “Đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo trong trình diễn”. Từ những ngày đầu bước vào Học viện Âm nhạc, trong đầu anh chỉ xuất hiện một khái niệm duy nhất.
Nhưng mấy ai ngờ rằng, để theo đuổi được tôn chỉ này, chàng nhạc sĩ tài hoa ấy đã mất gần 20 năm cuộc đời. Chúng ta không có quá nhiều cái 20 năm để chờ , nhưng với Trần Xuân Hòa, mọi thứ có được ngày hôm nay là hoàn toàn xứng đáng.
Hòa chia sẻ: “Tôi từng đi diễn ở nhiều nước, bắt gặp những sân khấu mà nghệ sĩ chỉ dùng duy nhất bộ gõ, biểu diễn cho hàng nghìn người xem. Mình nhận ra là con đường solo của bộ gõ trên thế giới đã có nhiều người đi nhưng ở Việt Nam chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không”.
Đối với Trần Xuân Hòa, bộ gõ không chỉ đơn giản là trống. Bản thân nhạc cụ luôn chứa đựng linh hồn. Nó cũng có cuộc sống, suy nghĩ và biểu cảm riêng. Nhạc cụ chính là phương tiện truyền tải các sắc thái âm thanh trong cuộc sống.
Nhưng việc thể hiện có trọn vẹn hay không phụ thuộc vào đôi tay của người nghệ sĩ. Nhìn bàn tay anh lướt đi trong không gian, chúng ta như bị ‘thôi miên’ bởi thứ âm thanh của thiên nhiên và con người.
Có thế mới nói, âm nhạc không phải là một môn học của thói quen, người nghệ sĩ phải thả mình vào trong chính nốt nhạc mới có thể truyền tải hết thông điệp vốn có của nó.
Hòa tự nói về mình: “Tôi muốn tìm tòi mọi âm thanh có ở xung quanh ta, rồi sắp xếp thành một màn trình diễn, đưa bộ gõ trở thành một nhạc cụ solo trong trình diễn”.
Trần Xuân Hòa có đơn độc trong cuộc hành trình của mình?
Thực ra, ban đầu, khi theo đuổi sự nghiệp lắm chông gai này, Hoa không hề đơn độc. Anh cùng ba người bạn khác thành lập nhóm Gõ Group với mong ước cùng nhau mang bộ dụng cụ thô cứng này vang danh trên thế giới.
Nhưng dần rồi, cuộc hành trình đầy chông gai và thử thách này khiến những người còn lại không thể trụ vững. Bản thân anh chỉ còn một mình một cõi cùng với hoài bão của bản thân năm ấy.
Đã có lúc nào anh bỏ cuộc? Câu hỏi này đã có rất nhiều người thắc mắc, nhưng dường như chính chúng ta cũng có câu trả lời.
Có dịp nào bạn tinh ý sờ vào đôi bàn tay chai sần sau nhiều năm chơi nhạc, bạn sẽ bất giác chạnh lòng vì sự hy sinh thầm lặng của người nghệ sĩ chân chính. Không có ánh hào quang nào có được mà không có sự đánh đổi.
Hòa từng chia sẻ, thần tượng của anh chính là nghệ sĩ Kitaro (Nhật Bản): “Dù khởi đầu không được học hành bài bản, Kitaro vẫn nhẫn nại đi con đường của mình và cuối cùng ông đã thành công”.
Vâng, chỉ có những người bền bỉ, kiên trì nhất mới có thể đi trên sợi dây thép đầy gai ấy. Dù đôi chân có chảy máu mỗi ngày, dù lối đi có khó khăn như thế nào, bạn chỉ có một sự lựa chọn, đó là bước tiếp, không được phép bỏ cuộc.
Phép nhiệm màu của chàng ‘phù thủy bộ gõ’ có còn linh nghiệm?
Trải qua nhiều buổi diễn lớn nhỏ, Trần Xuân Hòa chuyển thể rất nhiều sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng sang bộ gõ. Tiêu biểu có thể kể đến như Bài ca Chim ưng của Đàm Linh, Rhapsody Vietnam của Đỗ Hồng Quân hay nhiều danh tác đình đám thế giới của Thierry de Mey, Rosario, J. Paul đều được anh biến hóa một cách tài tình.
Dự định trước mắt của nam nhạc sĩ chính là tự mình biểu diễn các nhạc phẩm do bản thân sáng tác. Hiện anh đang cùng nghệ sĩ Guitar Vũ Hiển thực hiện một dự án chung như thế.
“Mình không thể cứ mãi chuyển thể nhạc của người khác sang bộ gõ. Mình đi con đường riêng, phải có sáng tác riêng. Không thể khác được. Trước mắt, tôi sẽ viết một vở nhạc kịch về những thanh âm của một ngày ở Hà Nội. Người nghe sẽ nhận ra những thanh âm ấy gần gũi với chính mình biết bao nhiêu. Còn con đường dài, tôi sẽ mang bộ gõ của tôi ra những đại hội âm nhạc hoành tráng nhất thế giới. Chắc chắn là như vậy!”
Trần Xuân Hòa tiếp lời như một sự khẳng định về cuộc đổ bộ đầy hoành tráng của âm thanh giao hưởng thời khắc giao mùa. Chúng ta hãy cùng chờ đón siêu phẩm bộ gõ này dưới bàn tay phù phép của bậc thầy Trần Xuân Hòa.
Xem thêm: Tiểu sử nhạc sĩ, nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hòa
- Họ và tên: Trần Xuân Hòa
- Sinh nhật: 1980
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: Nam Định
- Nơi ở hiện tại: Thành phố Hà Nội
- Học vấn: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ – nghệ sĩ bộ gõ
- Facebook: Trần Xuân Hòa