(Nghesiviet.info) – Trúc Hồ được xem là nam nhạc sĩ quyền lực bậc nhất tại thị trường âm nhạc hải ngoại. Cái tên của ông gắn liền với thành công của nhiều ca sĩ nổi tiếng. Được xem là bậc thầy tại Hits, Trúc Hồ chính là ‘đại công thần’ đã nâng tầm âm nhạc Việt Nam nơi đất khách xa xôi.
Nhạc sĩ Trúc Hồ tên thật là Trương Anh Hùng. Anh sinh năm 1964 tại đất Sài Gòn hoa lệ. Bạn sẽ không còn ngạc nhiên nếu như biết rằng, anh chính là con nhà nòi chính hiệu khi có cha cũng là một nhạc sĩ đại tài Trúc Giang.
Đó là lý do từ khi lên 4 tuổi, Trúc Hồ đã có thể chơi trống. 6 tuổi biết đánh Keyboard. Được tiếp xúc với âm nhạc đỉnh cao từ khá sớm, cậu bé trở thành cộng sự của rất nhiều bậc cha chú lão làng trong nghề. |
Nhận thấy năng khiếu từ con trai, Trúc Hồ được cha chiều chuộng và tích cực rèn luyện với mong mỏi sẽ có được ‘người kế thừa’ sáng giá cho sự nghiệp âm nhạc của chính mình.
Những viên gạch đầu tiên khi nhạc sĩ bước chân vào nghề
Tỏ ra là một người sáng dạ đối với âm nhạc, nhưng Trúc Hồ lại chẳng mấy hứng thú với những bài học chính quy ở trường.
Được theo học tại trường Petrus Ký danh tiếng (Tức trường chuyên Lê Hồng Phong hiện nay), nhưng anh lại nhanh chóng bỏ trường để đi theo tiếng gọi của âm nhạc.
Những người thầy đầu đời của Trúc Hồ chính là thầy Vũ, thầy Dung, nhạc sư Nghiêm Phú Phi. Đặc biệt, anh chính là người học trò cưng sáng giá của nhạc sĩ Lê Văn Thiện.
Trúc Hồ chia sẻ: “Khi đó, thầy Vũ dạy lý thuyết, thầy Dung dạy hoà âm, đặc biệt được chính nhạc sư Nghiêm Phú Phi kèm thêm về dương cầm cổ điển. Nhưng người mang cảm hứng sáng tác ăn sâu vào trong máu thịt tôi lại là thầy Lê Văn Thiện.”
Tâm sự rằng, chính nhờ những bản hòa âm tuyệt đẹp mang đầy tính thi văn đã khơi gợi tâm hồn âm nhạc trong anh. Để rồi, không biết tự bao giờ, Trúc Hồ đắm chìm trong những nốt nhạc. |
Bao nhiêu âm thanh trong trẻo nhất của cuộc sống cứ thế tuôn trào trong huyết quản. Nó đánh thức mọi xúc cảm trong tâm hồn chàng nhạc sĩ lãng du….
Hành trình đi lên từ trại tị nạn khốn khổ
Năm 1981 được xem là quảng thời gian đầy khó khăn của nam nhạc sĩ khi anh phải trôi dạt trong những trại tị nạn của dân di cư tại đất Mỹ phồn hoa. Không biết ngôn ngữ, không có người thân, Trúc Hồ đã trải qua một tuổi thơ cơ cực.
Tuy nhiên, sau này, khi nhắc lại, anh lại thầm cảm ơn vì nhờ có những ngày tháng như thế mới tôi luyện nên một nhạc sĩ phong trần, từng trải, và đó là những tư liệu quý giá giúp anh sáng tác nên những bản nhạc bất hủ.
Để có tiền trang trải cho việc học, Trúc Hồ đã làm tất cả những công việc có thể. Anh rửa bàn bida, giao báo hay đi dạy thêm về đàn piano. Và một trong những học trò của anh sau này đã trở thành nữ danh ca nổi tiếng, đó chính là Lynda Trang Đài.
Thời gian này, Trúc Hồ cũng có cơ hội biểu diễn trong những quán cafe nhỏ. Những người bạn đồng hành với anh khi đó chính là danh hài Chí Tài và nhạc sĩ Thanh Lâm.
Từ những đồng tiền ít ỏi đó, Trúc Hồ bước đầu gây dựng được tên tuổi của mình. Anh được nhiều ban nhạc, trung tâm chú ý nhờ vào tài năng nổi trội.
Có thể nói, sự nghiệp của nam nhạc sĩ đã có những thay đổi đáng kể. Cuộc đời của anh cũng sang trang mới rạng rỡ hơn rất nhiều.
Người cầm cân nảy mực quyền lực bậc nhất tại trung tâm Asia
Nhắc đến Trúc Hồ chính là nhắc đến trung tâm âm nhạc hàng đầu tại Hải Ngoại, trung tâm Asia. Sau một khoảng thời gian phiêu bạt tại nhiều ban nhạc, nhiều trung tâm khác nhau, Trúc Hồ nhận được lời đề nghị trở thành giám đốc âm nhạc tại Asia.
Sự sáng tạo trong âm nhạc cùng một khối óc thông minh của người làm kinh doanh đã giúp Trúc Hồ xây dựng được những đêm nhạc thành công.
Cũng từ đây, anh trở thành cái tên đầy quyền lực đứng sau thành công của rất nhiều cái tên nổi tiếng như Như Quỳnh, Mạnh Đình, Lâm Thúy Vân, Lâm Nhật Tiến…
Trước năm 1975, người ta nhớ về hàng loạt cái tên nhạc sĩ tài hoa như Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi, Lê Văn Thiện… Nhưng sau năm 1975, cái tên nổi bật nhất chính là Trúc Hồ.
Có những lời tương truyền rằng, chỉ cần được Trúc Hồ nâng đỡ, muốn không nổi tiếng cũng khó. Anh chính là ‘bàn tay vàng’, ‘người tạo Hits’ hay ‘phù thủy âm nhạc’ mà giới mộ điệu hay khán giả luôn tán tụng.
Hiện, anh là tổng giám đốc điều hành của Đài truyền hình SBTN – đài truyền hình phát sóng 24/24 đầu tiên của người Việt hải ngoại.
Cuộc sống kín tiếng sau ánh hào quang
Là người đàn ông bản lĩnh trên sân khấu, nhạc sĩ có khả năng ‘hô mưa gọi gió’ trong thị trường âm nhạc hải ngoại, nhưng cuộc sống phía sau ánh đèn lại là một câu chuyện thầm lặng hơn rất nhiều.
Anh kết hôn với Nguyễn Khoa Diệu Quyên vào năm 1990, họ có hai người con chung là Trương Ngọc La La và Trương Anh Lý Bạch. Anh chọn cho mình lối sống giản dị, không xô bồ, không khoe khoang. Những gì bình yên nhất được Trúc Hồ dành cho gia đình nhỏ của mình.
Xem thêm: Tiểu sử nhạc sĩ Trúc Hồ
- Họ và tên: Trương Anh Hùng
- Sinh nhật: 02.04.1964
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: Quận 5, Sài Gòn, Việt Nam Cộng Hòa
- Nơi ở hiện tại: Nam California, Hoa Kỳ
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ – Nhà sản xuất âm nhạc
Ca khúc tiêu biểu trong sự nghiệp
- Cơn Mưa Hạ
- Điều Gì Đó
- Em Đã Quên Một Dòng Sông
- Làm Thơ Tình Em Đọc
- Mãi Yêu Người Thôi
- Như Vạt Nắng
- Trái Tim Mùa Đông
- Yêu Em Âm Thầm
- Đã Qua Thời Mong Chờ
- Bên Em Đang Có Ta
- Một Ngày Việt Nam
- Việt Nam Niềm Nhớ
- Việt Nam Về Trong Niềm Nhớ