(Nghesiviet.info) – Cố nhạc sĩ Quốc Dũng với sự nghiệp lừng lẫy, nổi danh với nhiều sáng tác đa dạng. Chuyện tình đẹp giữa chàng nhạc sĩ tài hoa và nữ danh ca nức tiếng kéo dài suốt gần 40 năm khiến báo chí tốn nhiều giấy mực.
Tài năng thiên bẩm Nguyễn Quốc Dũng bắt đầu với sự nghiệp sáng tác từ rất sớm
Cố nhạc sĩ Quốc Dũng sinh ngày 15 tháng 6 năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, ông theo gia đình quay trở về Việt Nam theo lời kêu gọi hồi hương của chính quyền miền Nam gửi đến các kiều bào ở nước ngoài. Cố nhạc sĩ thuộc thế hệ sau cùng của dòng nhạc trước năm 1975.
Ra mắt giới mộ điệu âm nhạc với vai trò vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ, khán giả đã quá quen thuộc với những ca khúc nổi tiếng như: “Mai”, “Đường xưa”, “Cơn gió thoảng”, “Chuyện ba người”, “Hoang vắng”, “Bài ca Tết cho em”, “Điệp khúc mùa xuân”, “Biển mộng”, “Thư tình không gửi”,…
Nguyễn Quốc Dũng bộc lộ tài năng âm nhạc thiên bẩm từ nhỏ. Ông được gửi vào trường Quốc gia Âm nhạc ở Sài Gòn khi mới lên 10 tuổi. Cố nhạc sĩ có cơ hội được theo học nhạc trong Ban Tuổi Xanh của kịch sĩ Kiều Hạnh.
Năm 15 tuổi, nhạc sĩ “Cõi bình yên” vượt qua hàng nghìn gương mặt ưu tú, góp mặt trong dàn đại hòa tấu, trình diễn mandolin trên truyền hình. Đến năm 16 tuổi, ông tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương.
Khả năng cảm thụ âm nhạc thiên phú, dòng máu phiêu du chảy mạnh trong chàng trai nhỏ tuổi. Bản nhạc đầu tiên được tác giả “Dạo khúc uyên ương” soạn năm ông mới lên 11 tuổi. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bản nhạc không lời.
Mãi đến năm 17 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường nhạc, cố nhạc sĩ mới hoàn thiện tác phẩm hoàn chỉnh, đặt tên là “Em đã thấy mùa xuân chưa”. Ca khúc chính là nhạc phẩm được thu âm nhiều nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Quốc Dũng. Cho đến hiện tại, khi nhắc tới vị nhạc sĩ tài hoa, bất kỳ ai cũng nhớ ngay tới ca khúc tiêu biểu này.
Cố nhạc sĩ Quốc Dũng và sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng
Phong trào nhạc trẻ bắt đầu sôi động ở miền Nam trong các club Mỹ từ thập niêm 1960. Để phục vụ cho nhu cầu nghe nhạc pop – rock đang rất được ưa chuộng trong giới trẻ, những ca khúc nhạc ngoại lời Việt bắt đầu xuất hiện.
Bước sang đầu thập niên 1970, nắm được tinh thần đó, nhạc sĩ Quốc Dũng cùng hai nhạc sĩ tên tuổi là Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà tiên phong Việt hóa nhạc trẻ. Những ca khúc tiểu biểu như: “Điệp Khúc Mùa Xuân”, “Quê Hương Và Mộng Ước”, “Bên Nhau Ngày Vui”,… đều được ra đời trong hoàn cảnh này.
Nhạc sĩ Quốc Dũng không chỉ thành công trong lĩnh vực sáng tác, ông còn để lại dấu ấn rất đặc trưng của mình trong vai trò là một ca sĩ. Ông cùng với Thanh Mai tạo thành cặp đôi song ca nổi tiếng nhất Sài Gòn một thời.
Ca khúc tên “Mai” của cố nhạc sĩ Quốc Dũng rất nổi tiếng. Với những ca từ thể hiện tình cảm vừa gặp đã yêu của chàng trai dành cho cô gái. Tình yêu từ chớm nở trở nên đầy tràn, tưởng chừng muốn nổ tung. Bỗng một ngày nhận ra không được hồi đáp. Bến phong tình bỗng tịch mịch cô liêu.
Rất nhiều người lầm tưởng cố nhạc sĩ viết ca khúc này cho bóng hồng Thanh Mai. Bản thân ông cũng chưa từng lên tiếng xác nhận ông viết bài hát cho ai. Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Mai từng nói cô gặp cố nhạc sĩ đào hoa năm 1972. Trong khi năm 1971, ca khúc “Mai” đã rất nổi tiếng rồi.
Chuyện tình đẹp như thơ của cố nhạc sĩ Quốc Dũng và nữ danh ca Bảo Yến – Kéo dài suốt gần 40 năm
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Quốc Dũng tìm thấy tri kỷ của đời mình như một định mệnh sắp đặt.
Tiếng hát của hai chị em Bảo Yến và Nhã Phương ngày ấy đã làm sống dậy tinh thần của người Việt trước bối cảnh đất nước còn khó khăn. Cố nhạc sĩ tâm hồn đồng điệu với Bảo Yến, tạo thành cặp đôi nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn thời điểm đó. Cả hai quyết định về chung nhà năm 1987.
Nhạc sĩ Quốc Dũng và Bảo Yến gặp nhau lần đầu tại Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh năm 1982. Hai tâm hồn nghệ sĩ tìm được những điểm chạm, kết tinh quả ngọt tình yêu. Cả hai có với nhau hai người con trai tên là Khải Ca và Bảo Châu.
Chính sự đào hoa, lãng tử của nhạc sĩ “Đà Lạt chiều mơ” khiến gia đình danh ca Bảo Yến nhiều lần không chấp nhận. Nữ ca sĩ cũng nhiều lần phiền muộn, quyết định ly thân. Nhưng cô theo chủ nghĩa tôn thờ chồng. Vì chồng, vì con, vì âm nhạc, cô vẫn đồng hành với cố nhạc sĩ suốt gần 40 năm.
Cố nhạc sĩ Quốc Dũng vĩnh biệt cuộc đời, ra đi ở tuổi 72 vì bệnh nặng
Năm 2013, nhạc sĩ Quốc Dũng bị đột quỵ sau vụ tai nạn giao thông kinh hoàng. Sự nghiệp âm nhạc của ông cũng gác lại từ đây.
Danh ca Bảo Yến gạt bỏ hết ưu phiền, luôn túc trực bên cạnh chăm sóc chồng. Sau nhiều sóng gió, họ vẫn chân tình ở bên nhau. Nhạc sĩ Quốc Dũng từng xúc động nói lên những lời biết ơn vợ: “Sau những phiêu lưu và lận đận, tôi thật may mắn khi vẫn còn có người vợ là Bảo Yến bên cạnh.”
Vào ngày 24/9/2023, làng âm nhạc Việt chính thức mất đi một danh tài. Nhạc sĩ Quốc Dũng gửi lại cho đời những bài ca bất hủ, ra đi trong nỗi bàng hoàng, thương tiếc của gia đình và hội các văn nghệ sĩ. Danh ca Bảo Yến và gia đình luôn ở cạnh cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng.
Nhạc sĩ Quốc Dũng đã sống một cuộc đời hết mình với âm nhạc. Đổi lại, ông cũng nhận được sự hậu ái đầy ân sủng của đời. Nhạc tình ca ông viết chảy mãi cùng năm tháng khi được thể hiện bởi giọng ca da diết, thao thức của vợ. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn với cuộc đời.
Tiểu sử cố nhạc sĩ Quốc Dũng
• Họ và tên: Nguyễn Quốc Dũng • Nghệ danh: Quốc Dũng • Sinh ngày: 15 tháng 6 năm 1951 • Mất ngày: 24 tháng 9 năm 2023 (72 tuổi) • Chiều cao: Đang cập nhật • Nơi sinh: Thái Lan • Quốc tịch: Việt Nam • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ, ca sĩ • Tuổi nghề: Từ 1966 – 2013 |