Tại sao cự ly Marathon luôn là 42km?

(Nghesiviet.info) – Marathon (phát âm tiếng Việt: ma-ra-tông) là một cuộc đua chạy bộ đường trường với chiều dài chính thức là 42,195 km. Sự kiện này được đặt theo một câu chuyện về một chiến binh Hy Lạp tên là Pheidippides, một người đưa thư đã chạy từ nơi diễn ra trận chiến Marathon tới thành Athena.

Câu chuyện kể rằng ông được phái đi từ cánh đồng Marathon (thị trấn Marathon) tới thành Athena để báo tin quân Ba Tư đã bị đánh bại trong trận Marathon.

Truyền thuyết kể rằng ông đã chạy không nghỉ (224 km + 42 km trong bộ giáp khiên giáp 50kg) và khi đến nơi thì hét to “Νενικήκαμεν” (Nenikékamen, “chúng ta đã chiến thắng”) trước khi gục ngã và qua đời.

Pheidippides là một lính Hoplite (lính bộ binh của Hy Lạp), có tài chạy rất nhanh.

Vào năm 1200 trước Công Nguyên, dân Hy Lạp phát hiện ra sắt, nên họ dùng sắt làm áo giáp mũ mão cho các Hoplite (thay cho chất liệu đồng). Hoplite có đồng phục giống nhau, áo giáp chắn ngực và lưng, mũ “bảo hiểm”, giáo nhọn, và khiên sắt lớn. Áo giáp nặng chừng 25 ký, còn khiên thì nặng từ 8 – 15 ký; tính sơ sơ thì mỗi hoplite phải đeo trên người chừng 40 – 50 ký khi lâm trận. Chính những bộ giáp nặng nề này đã giúp dân Hy Lạp chiến thắng.

Năm 490 trước Công Nguyên, quân của Persia (giờ là Ba Tư) đổ bộ lên hải vịnh của thành phố Marathon, gần Athens, với âm mưu xâm chiếm Hy Lạp.

Quân Persian vừa đông vừa mạnh, lên tới 25 vạn, trong đó 5 vạn quân là kỵ binh. Trong khi đó quân Hy Lạp chỉ khoảng 10 vạn, và họ chỉ có Hoplite (bộ binh). Thấy Persia dùng chiến thuật lấy thịt đè người, quân Hy Lạp sai Pheidippides – nổi tiếng chạy nhanh – đến cầu cứu xứ Sparta.

Pheidippides chạy khoảng 112 km từ Athens đến Sparta để xin vua Sparta chi viện, nhưng xui xẻo thay, lúc này ở Sparta đang tổ chức một lễ hội tôn giáo quan trọng, nên vua Sparta nói chỉ có thể đầu quân sau khi lễ hội kết thúc. Thế là Pheidippides chạy 112 km nữa về Athens để loan tin xấu. Thống soái quân đội của Athens lúc đó – ông Miltiades – bực vì cái lý do vô duyên của dân Sparta, quyết định tiến quân đến Marathon luôn, không ngồi chờ ai chi viện hết.

Pheidippides tiếp tục mang mũ mang giáp, theo đoàn quân đi đón đầu địch. Biết mình gặp bất lợi về quân số, dân Hy Lạp sử dụng chiến thuật táo bạo: xông thẳng vào giữa chiến tuyến. Quân Persia lấy cung tên ra bắn tới tấp, nhưng chiếc khiên to bằng sắt của lính Hy Lạp bảo vệ họ. Khi giáp lá cà, sức lực và giáp của lính Hy Lạp đẩy lùi được kẻ thù. Quân Persia quá sốc khi thấy lính Hy Lạp khỏe quá, dũng cảm quá, áo giáp lại xịn, đâm mãi không thủng; thế là hàng ngũ Persia bắt đầu rã, quân đội Hy Lạp có được một chiến thắng vẻ vang tại Marathon.

Thống soái Miltiades tiếp tục sai Pheidippides chạy về Athens loan tin mừng.

Chàng này vừa tham gia đánh trận xong, rất mệt mỏi (trước đó Pheidippides còn chạy gần 226km giữa Athens và Sparta), nhưng chàng dũng cảm y lệnh vì muốn đem tin vui đến cho tổ quốc.

Khổ một cái, vì giáp và khiên rất nặng, nên những chiến sĩ nhát gan, muốn đào ngũ hoặc chạy trốn khỏi chiến trường đều quăng khiên quăng giáp đi để người được nhẹ nhõm mà trốn cho nhanh (thay vì mắng “Đồ hèn!”, thì dân Hy Lạp có câu mắng “Đồ quăng khiên!” dành cho những người thỏ đế).

Nếu Pheidippides bỏ giáp và khiên để chạy về Athens, dân chúng sẽ cho rằng chàng là một kẻ nhát gan, chạy trốn nghĩa vụ, và sẽ nghi ngờ cái tin vui chàng báo cáo.

Thế là Pheidippides đeo đầy đủ 50 kg cả giáp cả khiên, từ Marathon chạy về Athens. Đoạn đường này cỡ 42 km, Pheidippides chỉ biết đâm đầu chạy, quên ăn quên uống. Khi chàng trai về đích – là trung tâm của thành phố Athens – chàng chỉ đủ sức để thốt lên chữ “Νενικήκαμεν” (Nenikékamen, “chúng ta đã chiến thắng” rồi ngã lăn ra chết vì kiệt sức.

Cũng vì vậy mà môn điền kinh lấy tên của thành phố Marathon, và đoạn đường Marathon 42km tại mỗi kỳ Olympic là đoạn đường tôn vinh công lao của người hùng Pheidippides xưa. Tinh thần của anh vẫn còn truyền cảm hứng cho nhiều vận động viên đến tận hôm nay.

Marathon không ngừng phát triển.

Tại Thế vận hội mùa Hè 1896 ở Athens, 17 vận động viên môn chạy tranh tài trên đường đua từ Marathon về sân vận động Panathenaic ở Athens, với khoảng cách 40 km (những người Hy Lạp thực ra đã tổ chức hai cuộc chạy thử trên quãng đường này từ tháng trước).

Người giành chiến thắng là Spiridon Louis, vận động viên của nước chủ nhà, tạo niềm hân hoan trên khắp Hy Lạp. Theo sau sự thành công của cuộc đua đầu tiên, Marathon nhanh chóng trở thành môn thi tài có nhiều người tham gia nhất của Olympic.

Chỉ đến năm 1908, cuộc đua mới được mở rộng đến 40,195 km, thể hiện sự tôn trọng đối với Hoàng gia Anh. Thế vận hội lần đó được tổ chức tại London, và quãng đường chạy Marathon được “tùy ý” kéo dài để Vua Edward VII và Hoàng hậu Alexandra có thể dễ dàng quan sát vạch đích từ chỗ ngồi hoàng gia.

Người về đầu trong cuộc đua Marathon dài thêm đó, đầu bếp bánh ngọt người Italy, Dorando Pietri, được cho là đã ngã năm lần vì kiệt sức trên đường chạy. Do các nhà tổ chức lo lắng vận động viên có thể chết trước sự hiện diện của hoàng gia nên đã ra sân để giúp sức anh.

Vì vậy, kết quả này bị hủy và người về đích thứ hai, vận động viên Mỹ, John Hayes, được tuyên bố là người chiến thắng. Tuy nhiên, công chúng tỏ ra thông cảm với Pietri và anh được nhận huy chương đặc biệt từ Hoàng gia. Kết thúc kịch tính này khiến cả hai người trở nên nổi tiếng và cuộc đua dài 42,195 km được áp dụng kể từ đó.
Tại sao cự ly Marathon luôn là 42km?
Tại sao cự ly Marathon luôn là 42km?

1001 Câu Hỏi Vì Sao – Người Nổi Tiếng

Tác giả Thanh Trúc

Tôi luôn viết với khát vọng cầu tiến hơn là tìm kiếm mảnh đất để chinh phục danh vọng. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Leonardo DiCaprio bị người đẹp Playboy chê bai ‘kỹ năng’

Tại sao đàn Piano được gọi là ‘Vua nhạc cụ’?