(Nghesiviet.info) – Nói đến nhạc sĩ Phú Quang, người ta thường nói ông là một nhạc sĩ đa tình, luôn rung động trước những vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của những bóng hồng.
Điều này chẳng có gì ngạc nhiên, bởi tâm hồn nghệ sĩ khiến cho những tác phẩm của mình rung động lòng người. Có những bài của ông, chỉ cần người ca sĩ vừa cất tiếng hát, người nghe như bị cuốn theo và thả hồn theo nó, cá nhân tôi đánh giá cao bài “Điều giản dị” với những ca từ da diết.
Trong một đêm nhạc, chính nhạc sĩ đã cho biết, bài hát “Điều giản dị” được ông lấy cảm hứng từ một vai diễn của NSND Lê Khanh. Bài hát đó được nhiều ca sĩ thể hiện, cá nhân tôi thích giọng hát của NSND Lê Dung khi thể hiện bài hát một cách sâu lắng:
“Người yêu ơi dù mai ngày cách xa/ Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta/ Và ta biết một điều thật giản dị/ Càng xa em ta càng thấy yêu em…”
Sinh ra tại Phú Thọ và lớn lên tại Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang sống và làm việc ở Sài Gòn hơn 20 năm, tuy nhiên tâm hồn người nhạc sĩ luôn hướng về Hà Nội.
Bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” phổ thơ của Thảo Phương ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Bản thân tôi từng sống một số năm trong Sài Gòn, khi miền Nam đang vào mùa khô, hễ mỗi lần nghe đài báo gió mùa Đông Bắc tràn về, tự dưng nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội lại dâng trào. Khi thêm lời và phổ nhạc bài hát này, nhạc sĩ thể hiện nỗi nhớ Hà Nội da diết, cũng như mùa đông ngoài Bắc, bởi vậy bài hát “Nỗi nhớ mùa đông” của nhạc sĩ Phú Quang nói hộ nỗi niềm của nhiều người.
“Dường như ai đi ngang cửa,
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi.
Nằm nghe xôn xao tiếng đời
Mà ngỡ ai đó nói cười
Bỗng nhớ cánh buồm xưa ấy
Giờ đây cũng bỏ ta đi.
Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Để nghe chuông chiều xa vắng
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về
Làm sao về được mùa đông
Dòng sông đôi bờ cát trắng
Làm sao về được mùa đông
Mùa thu cây cầu đã gãy
Thôi đành ru lòng mình vậy
Vờ như mùa đông đã về.”
Phú Quang Là nhạc sĩ của nhiều ca khúc làm say đắm lòng người, rất khó để nói tôi thích bài này hơn bài kia của ông.
Trong khuôn khổ bài viết, tôi cũng không thể liệt kê những ca khúc được ông sáng tác, việc một số tờ báo xếp hạng Top 10 ca khúc của ông, chưa hẳn chính xác, bởi mỗi người sẽ cảm nhận bài hát theo nhiều cách khác nhau. Nhưng có một điều quan trọng nhất, ông là người nhạc sĩ được nhiều người mến mộ.
Có nhiều ca sĩ như: Lê Dung, Ngọc Tân, Mỹ Linh, Ngọc Anh, Quang Lý, Hồng Nhung, Thu Phương, Tấn Minh, Đức Tuấn đã thể hiện thành công những tác phẩm của ông. Tài giỏi là vậy, hào hoa là thế, nhạc sĩ Phú Quang cũng là người không ngại bày tỏ chính kiến một cách quyết liệt. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông từ chối tiếp tục nộp hồ sơ xin xét tặng giải thưởng nhà nước, bởi như ông nói, chẳng thể đứng cạnh kẻ ăn cắp (đạo nhạc).
Những tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang đi vào lòng người, đêm nhạc của ông luôn cháy vé. Trong những đêm nhạc đó, ông đưa người nghe đi qua từng cung bậc cảm xúc, xen vào đó là những câu chuyện của chính ông kể về hoàn cảnh ra đời bài hát đó. Bài hát “Đâu phải bởi mùa thu”, phổ thơ của Giáng Vân, như nhạc sĩ Phú Quang từng tiết lộ, ông viết tặng cho người tình đầu tiên sống ở Sài Gòn, sau đó cô ấy đã vượt biên vào năm 1977. Dù nhạc sĩ không kể câu chuyện đó, bài hát “Đâu phải bởi mùa thu”vẫn chinh phục người yêu nhạc bởi ca từ và giai điệu nồng nàn da diết, nhưng đầy khắc khoải.
“Em ru gì lời ru cho đá núi
Đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian
Em ru gì lời ru cho biển khơi
Biển khơi biết bao giờ ngừng lặng
Em ru gì lời ru cho anh
Một đời đam mê một đời giông tố
Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha
Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Thôi đừng hát ru thôi đừng day dứt
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu
Em ru gì lời ru bao tiếc nuối
Tiếc nuối một thời ước vọng tàn phai
Em ru gì lời ru cho ngày mai
Thời gian có bao giờ trở lại…”
Tình yêu của nhạc sĩ Phú Quang không cần bàn cãi, nhưng nhắc đến ông sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới bài “Em ơi Hà Nội phố”. Đây là bài hát được nhiều ca sĩ thể hiện trong các đêm nhạc, trong những chương trình phát trên vô tuyến và sóng phát thanh. Bài hát như một bản hùng ca về một Hà Nội của một thời đạn bom nhưng vẫn toát lên vẻ hào hoa của những người sống tại đó. Tôi đặc biệt thích câu “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.” Có lẽ do bản thân cũng hay lang thang trên từng góc phố, con đường của Hà Nội.
Nói về hoàn cảnh ra đời bài hát, nhạc sĩ Phú Quang cho biết, nhà ông ở phố Khâm Thiên, trong chiến dịch 12 ngày đêm rải thảm bom B52, ngôi nhà của ông cùng những ngôi nhà xung quanh bị bom Mĩ san phẳng. Sau này trên nền ba ngôi nhà số 47, 49, 51 phố Khâm Thiên, chính quyền đã dựng đài tưởng niệm các nạn nhân, ngôi nhà của nhạc sĩ Phú Quang là một trong ba ngôi nhà đó. Trong những ngày bom rơi đạn nổ năm 1972, nhà thơ Phan Vũ đã sáng tác bài thơ “Hà Nội – phố” trên căn nhỏ phố Hàng Bún. Những câu thơ đầu tiên ra đời trong tiếng bom B-52 của Mỹ xối xả thả xuống bầu trời Hà Nội.
Năm 1986 khi đang công tác tại sở văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc bài thơ, ngay lập tức bài hát “Em ơi Hà Nội phố” được công chúng đón nhận. Thời điểm bài hát ra đời, tôi đang là sinh viên, và nghe ca sĩ Ngọc Tân thể hiện đầu tiên, sau này có ca sĩ Quang Lý và ca sĩ Bằng Kiều thổi hồn vào bài hát nổi tiếng này. Sở dĩ tôi viết về bài hát Em ơi Hà Nội phố” dài dòng một chút, bởi năm 1972 khi nhạc sĩ Phú Quang ở trong hầm trú ẩn ngay đầu phố Khâm Thiên, bản thân tôi cùng gia đình cũng ở trong hầm trú ẩn ngay giữa con phố đó.
“Em ơi Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ,
Ai đó chờ ai tóc xoã vai mềm.
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông.
Mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ.
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân.
Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay, chợt nhoà chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.
Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng nao nao kỷ niệm
Chiều hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về từ bao giờ..”
Là người sáng tác hàng chục bài hát nổi tiếng, nhạc sĩ Phú Quang còn viết nhạc cho nhiều bộ phim. Nhưng trên hết, ông luôn dành cho Hà Nội một tình cảm sâu nặng. Trái tim người nhạc sĩ tài hoa đã ngừng đập vào ngày 8, tháng 12, năm 2021 hưởng thọ 73 tuổi. Rời cõi tạm, ông để lại cho hậu thế một gia tài âm nhạc đáng nể. Xin được giới thiệu bài hát “Mơ về nơi xa lắm” phổ thơ của Thái Thăng Long đến mọi người thay lời kết.
“Ta mơ thấy em… ở nơi kia xa lắm
Một Hà Nội ngây ngất nắng
Một Hà Nội run run heo may
Dạ khúc đêm nay
Một mình em,
Một mình ta
Tiếng lá rơi…
vô tình bên khung cửa
Em bơ vơ,
Ta thẫn thờ mong nhớ
Một giọt sương rơi
Như giọt nước mắt buồn
Ta mơ thấy em… ở nơi kia xa lắm
Em cô đơn,
Căn phòng trống cô đơn
Dạ khúc đêm nay… chẳng thể nào dang dở…
Trong nỗi khát khao… em chầm chậm quay về …”
Hà Nội, ngày 06/04/2024
Bùi Ngọc Phúc