Viết cho tuổi 20 – Trưởng thành là ‘áp lực’ hay ‘thái độ’ của chúng ta với vấn đề, mới chính là ‘áp lực’?

Mình đã từng định viết thật nhiều về những khủng hoảng tuổi 20, với suy nghĩ rằng ai đó có thể hiểu được những bất ổn trong lòng mình. Nhưng rồi mình nhận ra, ai đi qua tuổi trẻ mà chả có những tháng ngày chênh vênh…

Mình của quá khứ, luôn thích bi kịch hóa vấn đề mà bản thân gặp phải. Một bài kiểm tra điểm kém cũng khiến mình suy nghĩ thật nhiều. Trước mỗi kì thi quan trọng, mình đều rất sợ bị trượt. Ai đó chẳng may lỡ buông những lời không hay về ngoại hình, cảm giác tự ti ngay lập tức xâm chiếm lòng mình.

Rồi những điều không may mắn xảy đến, mình lại nghĩ: “Ôi sao mình lại bất hạnh như thế!”

Mình là một đứa cả nghĩ, và thường xuyên nghĩ theo hướng tiêu cực nhất có thể, để xem nếu thực sự nó xảy ra thì mình cũng không bị bất ngờ. Và vì mình nghĩ tiêu cực, nên đương nhiên tâm trạng mình không tốt, rất ít khi mình cảm thấy hạnh phúc và hài lòng về những gì hiện tại đang có.

“Chẳng lẽ mình sẽ sống cả đời với cảm giác lo sợ ư?” – “Liệu rằng những tháng ngày tồn tại trên cuộc đời này mình sẽ mãi không hạnh phúc như thế?”

Mình đã tự hỏi bản thân những câu hỏi kiểu như vậy. Quá trình ấy khiến mình nhận ra rằng, cho dù mình có “tập” ủ rũ buồn rầu trước những bất trắc của cuộc sống, thì nếu mọi thứ phải xảy ra bản thân mình cũng không thể thay đổi được gì.

Tại sao mình không lựa chọn một cách an nhiên hơn để đối mặt với thế giới này? Có những chuyện, ở thời điểm đó mình cảm thấy thật tệ, nhưng bây giờ nhìn lại, mọi thứ đã dần chìm vào quá vãng xa xôi. Bằng một cách nào đó, mọi thứ đều dần ổn trở lại. Mình vẫn được ở đây, viết những dòng chia sẻ…

Độ tuổi nào mà chả có những thứ mà người ta cho là khủng hoảng.

Thời học sinh thì áp lực điểm số, thi cấp 3, thi đại học. Tuổi 20 là những bất ổn về tình cảm, mất phương hướng trên con đường kiếm tìm sự nghiệp. Tuổi 30 thì bắt đầu nghĩ đến gia đình, con cái…

Cuộc đời này sẽ đưa cho ta cả trăm nghìn những nốt thăng trầm như thế. Nhưng mình tin rằng, bất kể vấn đề nào xảy ra cũng có deadline cả, chỉ cần chúng ta hoàn thành, mọi thứ rồi dần sẽ đi vào ổn định. Rồi đến một ngày, chúng ta còn phải cảm ơn những khó khăn trắc trở mà mình gặp phải, vì chính chúng khiến ta mạnh mẽ hơn.

Mình của hiện tại, đang học cách yêu những gì không hoàn hảo của bản thân, bớt so đo, xét nét và đổ lỗi cho chính mình. Hai mươi tuổi, ừ thì còn nhiều vấn đề đấy: kiến thức còn nông cạn, suy nghĩ đôi khi lệch lạc, kỹ năng mềm cũng chưa thể bằng biết bao bạn cùng trang lứa…Nhưng không sao, mình tin rằng khi biết được nguyên nhân thì sẽ sớm tìm ra giải pháp thôi.

Khủng hoảng tuổi 20 - “ai đi qua tuổi trẻ mà chả có những tháng ngày chênh vênh… ”
Nguyễn Thị Phương Dung: “ai đi qua tuổi trẻ mà chả có những tháng ngày chênh vênh… ”

Nếu có cách, mọi thứ ở mỗi thời điểm đều có giá trị của nó. Thời gian sẽ cho ta thấy những gì tổn thương sẽ có cách sửa chữa thật lạ kì. Cuộc sống vốn không hoàn hảo. Đám đông ngoài kia đã đủ hỗn loạn rồi. Mình hiểu rằng: “Thực ra, mình cũng chẳng cần phải tự tạo thêm sóng gió trong lòng thêm nữa.”

Mình nghĩ, tất cả những gì mà chúng ta đang phải trải qua, cũng là điều mà rất nhiều người đã vượt qua. Không quan trọng là chúng ta đã trải qua những gì, đã đau đớn ra sao, chỉ cần mỗi ngày ta luôn cố gắng tiến về phía trước, mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi. Hôm nay không ổn, mai sẽ ổn, mai không ổn thì ngày kia…và một ngày nào đó, nhất định sẽ ổn!

Nguyễn Thị Phương Dung (ĐHKH Xã hội và Nhân văn)

Tác giả Đặng Xuân Tới

“Viết tử tế - viết thật hay, hoặc là không viết”
Câu nói đó tôi đã tự đặt ra và coi là giới hạn, là chuẩn mực theo đuổi của bản thân mình mỗi khi viết. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Tiểu sử MC Thảo Vân

Thầy giáo chuẩn soái ca Dương Hà ‘miệt mài’ nhân bản tình yêu hóa học?