(Nghesiviet.info) – Thời gian điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 đã cận kề. Để xác định được thế mạnh của bản thân, từ đó lựa chọn ngành nghề, chọn trường là ‘trăn trở’ của rất nhiều thí sinh.
Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng kính mời các bậc phụ huynh cùng các em học sinh theo dõi, những chia sẻ của thầy giáo Dương Hà xoay quanh chủ đề về: “Những lưu ý khi chọn ngành, chọn trường” – yếu tố góp phần vào sự thành bại của bạn trong tương lai. |
PV: Xin chào thầy giáo Dương Hà, thầy đánh giá thế nào về ‘phổ điểm’ khối Khoa học Tự nhiên, (so với phổ điểm cùng kỳ năm trước)?
– Thầy giáo Dương Hà: Sau khi tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) thành công, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm số các môn của cả hai đợt thi.
Phổ điểm trung bình của khối A00 năm nay là 20,92. Với tôi đó là điểm số rất khả quan cho các thí sinh thi khối Khoa học tự nhiên, so với cùng kỳ năm trước. |
PV: Điểm số bộ môn ‘Hóa học’ có phải là ‘cứu cánh’, với những bạn đăng ký khối Khoa học Tự nhiên – Kỳ thi THPT Quốc gia 2021 này thưa thầy?
– Thầy giáo Dương Hà: “Nếu bạn học Hóa học đúng cách, điểm số của bạn không bao giờ tồi!” Tôi vẫn thường xuyên nói vậy, với các bạn học sinh.
Vì trong khuôn khổ của kỳ thi THPT Quốc gia 2021 này, các em chỉ cần nắm chắc lý thuyết Hóa học 12 và làm được phần bài tập cơ bản (chỉ qua 1-2 bước tính toán) các em đã có trong tay điểm 8+. |
PV: Thầy có thể chia sẻ về việc đăng ký nguyện vọng 2021 – điểm gì là khác biệt, so với cùng kỳ năm ngoái?
– Thầy giáo Dương Hà: Sự thay đổi lớn nhất nằm ở chỗ, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thông qua hình thức ‘trực tuyến’.
PV: Được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần thông qua hình thức ‘trực tuyến’. Vậy thí sinh cần những lưu ý gì, để đảm bảo quyền lợi tối đa (khi muốn thay đổi nguyện vọng)?
– Thầy giáo Dương Hà: Theo quy định của Bộ GD&ĐT: Nếu thí sinh đã đỗ nguyện vọng 1 (NV1), hệ thống sẽ tự động ngừng xét duyệt các (NV2 – NV3). |
Vì vậy, dù có đủ điểm đỗ NV2, thí sinh cũng không thể học ngành có nguyện vọng ưu tiên thấp hơn (NV2) trong cùng một đợt xét tuyển.
Để tránh trường hợp: Thí sinh có điểm thi cao, mà vẫn không đỗ nguyện vọng nào – hoặc trúng tuyển nguyện vọng, ngành học không yêu thích, các bạn học sinh cần lưu ý:
- Thí sinh chủ động sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, từ cao xuống thấp (NV1 – là nguyện vọng cao nhất), vì các trường đại học đều xét tuyển bằng phần mềm duy nhất của Bộ GD&ĐT, mọi nguyện vọng đều bình đẳng như nhau. (Mỗi thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào một ngành nghề duy nhất – mà mình đã đăng ký xét tuyển).
- Thí sinh nên chọn những trường có mức điểm tương ứng với năng lực của mình (khả năng học, năng lực tài chính, vị trí địa lý v.v..)
- Nếu yêu thích, đam mê một ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Thí sinh hãy chọn lựa, đăng ký cùng với mã ngành đó, vào nhiều trường khác nhau. (Cụ thể là những trường có thế mạnh về đào tạo ở lĩnh vực, ngành nghề đó).
- Chủ động liệt kê, danh sách các trường và ngành nghề yêu thích mà thí sinh có nguyện vọng theo học, đồng thời đối chiếu điểm chuẩn của 2-3 năm trước đó, cũng của những trường này. Sau đó loại bỏ khỏi danh sách, những trường có điểm chuẩn quá cao (ở những năm trước) so với điểm số mà thí sinh đã đạt được (ở năm nay).
Ví dụ: Thí sinh (năm nay – đạt 20 điểm), thì không nên đăng ký xét tuyển vào những trường (2-3 năm trước đó lấy 25- 26 điểm). - Không chủ quan với điểm số mà các em đã đạt được, rồi đổ xô vào những ngành cạnh tranh cao của các trường. Đây là điều cực kỳ quan trọng khi thí sinh lựa chọn đăng ký nguyện vọng.
PV: Thầy có thể chia sẻ suy nghĩ, về quan điểm: “chọn trường hơn chọn ngành, chọn ngành hơn là chọn trường”?
– Thầy giáo Dương Hà: Từ trước đến nay, hầu hết các em học sinh đều có xu hướng chọn trường trước rồi mới chọn ngành nghề sau. Tuy nhiên, điều đó lại dẫn đến những-trở-ngại trong quá trình học tập, từ đó gây lãng phí thời gian, chi phí học tập và công sức học hành.
Chính vì vậy, các bạn có thể lựa chọn theo sơ đồ hợp lí sau đây: Nghề – Ngành – Trường. Khi đã có bước khởi đầu đúng đắn thì quá trình học tập, làm nghề về sau cũng sẽ có phần thuận lợi hơn. |
Cá nhân tôi nghĩ, khi chọn Nghề – Ngành – Trường, các bạn đừng quá quan tâm tới tâm lí đám đông, đổ xô vào các ngành hot. Hãy cân nhắc tới thực lực, năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế, vị trí địa lý nơi theo học, truyền thống gia đình,…
Thông điệp tôi muốn gửi đến các bạn thí sinh là: “Đại học không phải con đường duy nhất để thành công, nhưng đó là con đường ngắn và chắc chắn nhất!”
Khi trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích, đó cũng là lúc khởi đầu thuận lợi cho sự nghiệp của mình. – Nhưng các bạn đừng quá vui mừng, ngủ quên trên chiến thắng mà quên mất rằng:
“Bạn đang bắt đầu một hành trình mới và đó là một hành trình dài. Chúc các bạn thí sinh đỗ đạt như nguyện vọng – ngành nghề, ngôi trường mà bạn yêu thích!” |