Nguyễn Ánh 9 – những mốc son chói lọi, huy hoàng cùng ‘âm nhạc’

(Nghesiviet.info) – Một nhạc sĩ lớn, một nhạc công đàn dương cầm tài hoa, một nhân cách lớn của nền âm nhạc Việt Nam, đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Đình Ánh hay còn được biết đến với cái tên Nguyễn Ánh 9. Ông là một trong những nhạc sĩ đời đầu, người đặt những viên gạch đầu tiên cho nền âm nhạc Việt Nam trước khi hòa bình lặp lại. 

Cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sinh năm 1940 tại Phan Rang. Ông đam mê và theo đuổi sự nghiệp âm nhạc từ khi tuổi đời còn khá trẻ. Đến nay, khi đã tạ thế, cố nhạc sĩ vẫn khiến nhiều người nhớ mãi khôn nguôi bởi những cống hiến của ông dành cho nền nghệ thuật nước nhà. 

Rất nhiều những cái tên đình đám trong làng âm nhạc Việt Nam đều thành danh từ sự nâng đỡ của Nguyễn Ánh 9 như Khánh Ly, Ánh Tuyết hay Thái Thanh. Hãy cùng Tạp chí Người Nổi Tiếng khám phá cuộc đời và sự nghiệp huy hoàng của nam nhạc sĩ người Phan Rang này nhé!

Đứa con ‘ngỗ nghịch’ quyết chí theo đuổi âm nhạc

Nguyễn Ánh 9 sinh ra trong một gia đình khá giả tại thành phố biển đầy nắng và gió. Sau này, ông theo gia đình di chuyển vào Nha Trang rồi định cư tại Sài Gòn cũ. 

Là con út trong gia đình có ba anh chị em, Nguyễn Ánh 9 nhận được sự yêu thương và cưng chiều hết mực của người nhà. Ông được cho theo học một trong những ngôi trường nổi tiếng thời đó là Taberd. Sau đó nhạc sĩ được lên thành phố mộng mơ Đà Lạt và nội trú tại Yersin vào năm 1958. 

Giai đoạn này, Nguyễn Ánh 9 bắt đầu hình thành tình yêu với âm nhạc. Ông lặng lẽ học đàn dương cầm rồi sáng tác. Tại một nơi thiên nhiên hữu tình như thành phố ngàn hoa, cố nhạc sĩ đã tự do bay bổng với tâm hồn nghệ sĩ của mình. 

Cũng từ đây, Nguyễn Ánh 9 chính thức bỏ nhà để đi theo tiếng gọi của con tim. Vì gia đình cấm cản, ông đã lựa chọn theo nhạc. Bởi với ông, đó mới là chân lý, là lý tưởng mà cuộc đời ông theo đuổi. 

Những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp nam nhạc sĩ tài hoa

Những năm 1958, ông có cơ duyên quen biết nhạc sĩ Hoàng Nguyên, tác giả của những ca khúc Tà Áo Tím, Ai Lên Xứ Hoa Đào, Sao Em Không Đến là người đã khuyên Nguyễn Ánh 9 nên đi theo âm nhạc vì nhận ra tài năng và óc thẩm mỹ âm nhạc vượt trội của ông.

Khi Ánh học xong Tú tài 2, cũng chính nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người giới thiệu Nguyễn Ánh tham gia Tuổi xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt. Song song đó, ông còn công tác với nhiều chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. 

Hình ảnh nam nhạc sĩ cùng cây đàn dương cầm của mình cứ rong ruổi khắp các phòng trà, buổi diễn văn nghệ hay tại các nhà hàng nổi tiếng. Ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình như thế. 

Mối duyên kỳ lạ với Diva xứ Đài Đặng Lệ Quân với siêu phẩm thập niên 70 mang tên Không

Sáng tác đầu tiên của Nguyễn Ánh 9 chính là nhạc phẩm đình đám Không. Năm 1971, khi nữ danh ca quá cố Đặng Lệ Quân có chuyến đi đến thăm Việt Nam, cô đã lựa chọn ca khúc này để trình bày. 

Sau này, chính cô đã phổ lời bài hát sang tiếng Hoa rồi tiếng Nhật và trình diễn ở nhiều nước khác trên thế giới. Bài hát vươn ra khỏi biên giới Việt Nam với sức hút cực khủng mà ngay cả ‘cha đẻ’ của bản nhạc không hề hay biết.

Tại quê nhà, bài hát được Khánh Ly thu âm lần đầu trong đĩa nhựa của cô mang tên Tình ca quê hương. Nhưng người làm nó trở thành ‘huyền thoại’ chính là Elvis Phương. 

Ông đã mang bản nhạc tung hoành khắp các vũ trường lớn nhỏ tại Sài Gòn năm đó. Nguyễn Ánh 9 cùng Elvis Phương đã khuấy đảo thị trường âm nhạc bằng nhiều nhạc phẩm nổi danh khác như Ai Đưa Em Về, Chia Phôi, Lời Cuối Cho Em…

Những dấu son chói lọi làm nên tượng đài âm nhạc Nguyễn Ánh 9

Sự nghiệp của ông càng ngày càng thành công rực rỡ hơn. Ông trở thành nhạc sĩ với nhiều bản nhạc sống mãi cùng năm tháng như Mùa thu cánh nâu, Đêm tình yêu. 

Đặc biệt, cố nhạc sĩ còn là người đồng hành khi trở thành người đệm đàn cho những danh ca hàng đầu thời đó Khánh Ly, Thái Thanh. Chính ông cũng từng phát biểu rằng, mình rất thích đệm đàn cho hai ca sĩ này. 

Thời điểm đó, Nguyễn Ánh 9 là nhạc sĩ vàng trong làng âm nhạc. Bất cứ ca khúc nào được chắp bút dưới tên ông như Tình Yêu Đến Trong Giã Từ, Mênh Mông Tình Buồn, Cho người Tình Xa và Cô Đơn đều vang danh khắp mọi miền Nam Bắc. 

Ông còn viết nhạc nền cho các bộ phim như Mảnh tình nghiệt ngã hay Mênh mông tình buồn. Nguyễn Ánh 9 là cái tên bảo chứng khán giả mỗi đêm diễn và là người hợp tác ăn ý trong đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng nhạc sĩ Quốc Dũng. 

Chỉ nghe những tình khúc của ông cũng có thể thấy Nguyễn Ánh 9 là một người lụy tình, mang phẩm chất lãng mạn đặc biệt. Tâm hồn người nghệ sĩ này như những dây tơ mỏng và có thể rung lên vì bất cứ ‘cú chạm’ nào của số phận. Mà số phận lại đặt ông vào những nỗi đau, bởi vậy nhạc của Nguyễn Ánh 9 như được dành riêng cho những mất mát, sự tan vỡ và chia xa.

Cuộc đời huy hoàng của người nhạc sĩ khép lại trong một chiều hạ nắng vàng

Nguyễn Ánh 9 kết hôn cùng nữ vũ công Ngọc Hân và có với nhau hai người con trai chính là Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh. Họ cùng nhau lập nên phòng trà mang tên Tiếng Dương Cầm, đó cũng là nhạc cụ gắn bó suốt cuộc đời nam nhạc sĩ tài hoa.

Trong nghề, cố nhạc sĩ còn là người hữu duyên, ông được nhiều thế hệ đàn em nhận làm cha nuôi như Hương Giang, Diệu Hiền, Hoàng Quân, Quang Hà, Xuân Phú. 

Năm 2008, Nguyễn Ánh 9 tổ chức đêm lưu diễn mang tên Giã từ sân khấu, chính thức khép lại sự nghiệp âm nhạc huy hoàng của mình. Ông đã giới thiệu con trai mình là Nguyễn Quang chính là ‘người kế thừa’ xuất sắc nhất của ông.

Một buổi chiều mùa hạ năm 2016, người nghệ sĩ đáng kính đã trút hơi thở cuối cùng sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật, ông hưởng thọ 77 tuổi. Người đã đi, tình còn đó, mọi vướng vân, tan trong gió…..

Xem thêm: Tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9

  • Họ và tên: Nguyễn Đình Ánh
  • Sinh nhật: 01.01.1940
  • Năm mất: 14.04.2016
  • Dân tộc: Kinh
  • Nguyên quán: Phan Rang
  • Nghề nghiệp: Nhạc sĩ – Nhạc công
  • Gia đình: Vợ Ngọc Hân – 2 con Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh

Tác giả Nguyễn Hồ Thiên Kim

“Viết để cảm, viết để thấu hiểu và viết để làm đẹp cho đời, mỗi chúng ta đều là những nhân tố giúp cho cuộc sống này thêm thi vị và hạnh phúc hơn. Cám ơn bạn đã ghé thăm và xem bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.”

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh – quý ông ‘tài hoa’ nhưng ‘cô độc’ trên con đường tìm kiếm ‘những động hoa vàng’

Nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành – người sống đời ‘đau đáu’ về âm nhạc cổ truyền Việt Nam