(Nghesiviet.info) – Cái tên Lê Công Vinh đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Anh được xem là cầu thủ xuất sắc nhất mà chúng ta từng có. Cuộc đời và sự nghiệp của chân sút người Nghệ An có thể nói là truyền kỳ với nhiều ngã rẽ đầy thú vị.
Lê Công Vinh sinh ngày 10 tháng 12 năm 1985 tại Nghệ An. Anh là cựu danh thủ tuyển Quốc gia Việt Nam và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá nước ta.
Hiện nay, sau khi giải nghệ, Lê Công Vinh vẫn gắn bó với bóng đá bằng những công việc phía sau sân cỏ. Hơn thế, cùng với vợ là nữ ca sĩ Thủy Tiên, hai vợ chồng liên tục tham gia vào các công tác thiện nguyện. ‘Tấm lòng vàng’ của ‘cặp đôi’ nhận được sự ủng hộ của khán giả trong nước.
Tuổi thơ gian khó tôi luyện một ý chí vững chãi
Lê Công Vinh sinh ra tại vùng đất Nghệ An trong một gia đình bình thường. Anh là con trai duy nhất trong gia đình còn có một chị và một cô em gái.
Biến cố xảy ra khi bố anh gặp tai nạn giao thông, kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn. ‘Họa vô đơn chí’ khi ông Lê Công Duệ vì muốn cải thiện gia cảnh nên đã tìm đến chất cấm và bị sa lưới cảnh sát, ông nhận bản án 12 năm tù.
Sự mất mát quá lớn từ người cha khiến Lê Công Vinh trải qua một tuổi thơ cơ cực. Mẹ anh một mình gồng gánh gia đình trong sự vất vả và cam chịu.
Anh chia sẻ: “Ngày ấy, mẹ đi đám cưới họ hàng cũng không có được đôi dép lành lặn, phải đi mượn của hàng xóm”.
Học sinh ‘cá biệt’ của lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An
Công Vinh đến với sân cỏ hoàn toàn là tình cờ. Khi ấy, anh nghe nói rằng cứ là cầu thủ thì sẽ có tiền. Bởi thế, cậu bé năm ấy lựa chọn theo học lò đào tạo trẻ của Sông Lam Nghệ An.
Khi bắt đầu tập luyện, Công Vinh đã tròng 14 tuổi. Đây là lứa tuổi khá muộn so với những bạn học cùng lứa. Chính vì thế, khóa học năm đó, Lê Công Vinh là người có thành tích ‘tệ’ nhất. Chính vì thế, anh luôn mờ nhạt trong các quyết định lựa chọn của huấn luyện viên.
Lê Công Vinh từng viết trong quyển tự truyện của mình: “Ông trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả. Bù lại cho những hạn chế về hình thể và kỹ thuật, tôi lại có được một ý chí mạnh mẽ. Bởi thế mà trong những buổi tập, tôi luôn nỗ lực nhiều hơn các bạn khác”.
Sự khởi đầu đầy chật vật, mãi chỉ là cái ‘bóng’ mờ trên hàng công
Tốt nghiệp lò đào tạo trẻ, Lê Công Vinh được cất nhắc lên đội 1, nhưng anh mãi là sự lựa chọn sau cùng. So với những cái tên như Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Hoàn, Công Vinh hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh suất đá chính.
Anh thường bị đẩy đi theo dạng cho mượn ở nhiều câu lạc bộ khác nhau. Có thể nói, sự nghiệp của cầu thủ xứ Nghệ tràn đầy khó khăn, thử thách với nhiều chông gai. Anh cứ mãi ‘chìm nổi’ như thế trong suốt một thời gian dài.
Cú chuyển mình hoàn hảo, sự nghiệp cầu thủ sang trang mới
Trận đấu chung kết Tiền Seagame 22 – JVC trở thành điểm sáng lớn nhất giúp Lê Công Vinh trở mình đầy ngoạn mục.
Chính anh là chân sút duy nhất lập cú đúp 2 bàn thắng giúp đội bóng của Huấn luyện viên Hữu Thắng lội ngược dòng thành công. Họ nâng cao chiếc Cúp vô địch năm đó. Hiển nhiên, Lê Công Vinh nhận được ‘tấm vé vớt’ quý báu lên tuyển dự Seagame 22.
Cũng từ đây, cái tên Lê Công Vinh liên tục tỏa sáng rực rỡ tại V-League. Anh thi đấu thăng hoa và trở thành trụ cột của Sông Lam Nghệ An.
Mùa giải năm 2004, Lê Công Vinh lập thành tích bất bại khi là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của bóng đá Việt Nam và giành luôn Quả bóng Vàng năm đó.
Trong suốt sự nghiệp huy hoàng của mình, Công Vinh còn giành thêm 2 lần Quả Bóng Vàng nữa để sánh ngang với một ‘huyền thoại’ khác là Lê Huỳnh Đức.
Cựu tiền đạo Đặng Phương Nam nhận xét về người đồng nghiệp: “Không hẳn là có một tài năng xuất chúng, nhưng Vinh là một trong những tiền đạo toàn diện. Anh ấy chuyên nghiệp, biết phát huy những điểm mạnh của mình, một con người bền bỉ khi giữ được sự nghiệp một cách trọn vẹn từ khi bắt đầu cho đến lúc giải nghệ, là một hình mẫu để các cầu thủ trẻ noi theo”.
Cầu thủ ‘bạc tỷ’ của làng bóng đá Việt Nam
Năm 2008, trên sân vận động Mỹ Đình năm ấy trở thành chảo lửa thực sự. Bất cứ người hâm mộ bóng đá nào cũng phải điên cuồng bởi cú đánh đầu ‘thần sầu’ của Lê Công Vinh.
Nó không chỉ xé lưới tuyển Thái Lan mà còn trở thành cú sút thẳng vào trái tim người hâm mộ. Chiếc cúp AFF lịch sử ấy giúp chân sút người Nghệ An bước thẳng lên đài vinh quang.
Kể từ đây, Công Vinh là cầu thủ số 1 Việt Nam, cái tên đắt giá và được săn đón nhất tại thị trường chuyển nhượng. Có thể nói, anh đã ‘một bước lên mây’ trong sự nghiệp bóng đá đỉnh cao của mình.
Chuyến xuất ngoại làm rạng danh nước nhà
Sau Lê Huỳnh Đức, Lê Công Vinh là cầu thủ Việt Nam thứ hai được ra nước ngoài thi đấu. Thời điểm đó, anh được Consadole Sapporo (Nhật Bản) mượn trong vòng 5 tháng để chơi tại giải J.League 2 của Nhật Bản vào năm 2013.
Số tiền mà đội bóng của Nhật chi ra để có được sự phục vụ của Công Vinh không dưới 60.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng).
Khác với những cầu thủ Việt qua nước ngoài chỉ được ngồi ghế dự bị, Công Vinh thi đấu thành công tại J.League. Chuyến xuất ngoại của anh làm cho khán giả trong nước nức lòng.
Cặp vợ chồng mẫu mực trong showbiz Việt, ‘Bồ Tát sống’ giữa lòng thành phố
Thủy Tiên – Công Vinh là ‘cặp đôi vàng’ ca sĩ – cầu thủ nổi tiếng của làng giải trí Việt. Họ bên nhau, âm thầm hỗ trợ cho nhau. Gia đình 3 người trở thành hình mẫu lý tưởng được nhiều người ngưỡng mộ.
Nhưng cái khán giả khâm phục nhất có lẽ không nằm ở ánh hào quang ấy, nó là những hy sinh lặng lẽ phía sau sân khấu của họ.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng cùng nhau rong ruổi khắp mọi miền Nam Bắc, họ miệt mài với các chuyến thiện nguyện của mình.
Giàu có, sang trọng lại thành công, nhưng họ vẫn lăn xả vì người dân nghèo khó. Những mảnh đời bất hạnh thực sự biết ơn những việc làm từ tâm của đôi vợ chồng nổi tiếng. Hành động xuất phát từ trái tim sẽ dễ dàng chạm đến trái tim.
Xem thêm: Tiểu sử cầu thủ Lê Công Vinh
- Họ và tên: Lê Công Vinh
- Sinh nhật: 10.12.1985
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: Nghệ An
- Nơi ở hiện tại: Thành phố Hồ Chí Minh
- Nghề nghiệp: Cầu thủ
- Chiều cao: 1m72