(Nghesiviet.info) – Lệ Quyên là cái tên không còn xa lạ với người nghe nhạc Việt Nam. Với giọng hát sâu lắng, đầy nội lực và nhan sắc đằm thắm ngày một “lên hương”, nữ ca sĩ ngày càng chứng tỏ vị thế trên trường âm nhạc của mình với số lượng người hâm mộ ngày càng tăng, người ta trìu mến gọi cô là: “nữ hoàng phòng trà”, “nữ hoàng bolero”…
Một bước vụt sáng ‘Nữ hoàng phòng trà’ – quả là ‘Giấc mơ có thật!’
Cô bé Lệ Quyên được sinh ra trong một gia đình có “nòi” về nghệ thuật tại Hà Nội. Cha của Lệ Quyên vốn là một văn công còn mẹ cô là một nghệ sĩ khá nổi tiếng trong giới.
May mắn được nuôi dưỡng trong một môi trường âm nhạc từ nhỏ, Lệ Quyên đã sớm bộc lộ những thiên hướng về âm nhạc một cách rõ rệt. Cô đã biết bập bẹ những câu hát chèo theo mẹ từ tấm bé.
Tuy nhiên, tuổi thơ của Lệ Quyên cũng không hề dễ dàng và êm đềm, năm cô 12 tuổi, gia đình cô đã trải qua một bước ngoặt lớn. Do xảy ra một biến cố về kinh tế nên Lệ Quyên đã phải theo mẹ sinh sống tại một mảnh đất xa lạ: Thái Nguyên.
Cô đã trải qua những năm tháng cấp 2 và cấp 3 tại mảnh đất này. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình mà cô sớm bộc lộ tình cách tự lập, trưởng thành trước tuổi. Tuy khó khăn, nhưng đâu đó trong trái tim Lệ Quyên, âm nhạc vẫn như một đốm lửa nhỏ âm thầm cháy âm ỉ.
Đến năm 1999, Lệ Quyên quyết định theo đuổi con đường âm nhạc bằng cách đăng ký thi vào hai đơn vị chuyên đào tạo bài bản về Âm nhạc là: Nhạc viện Hà Nội và Đại học Văn hóa Hà Nội (lớp Âm nhạc).
Sau một hồi đắn đo suy nghĩ và phân tích thiệt hơn, cô quyết định lựa chọn theo học tại lớp Âm nhạc, chuyên khoa Văn hóa quần chúng của Đại học Văn hóa Hà Nội.
Và nơi đây cũng chính là chiếc nôi dẫn đường cô bước vào một thế giới âm nhạc rộng lớn, gợi mở cho con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của Lệ Quyên.
“Tài không đợi tuổi”, chưa cần tốt nghiệp mà ngay trong những năm học đầu tiên tại ngôi trường Đại học Văn hóa, Lệ Quyên đã thể hiện được tài năng xuất chúng của mình khi đạt được Gải Nhất trong cuộc thi “Giao lưu văn hóa của Khoa Văn hóa Quần chúng”.
Cuộc thi đó giống như một cuộc “đãi cát tìm vàng” với Lệ Quyên, cô nhanh chóng nổi lên, lấp lánh và tỏa sáng.
Năm 2000, tức là chỉ một năm sau khi cô nhập trường, giữa hàng trăm sinh viên khác, thầy chủ nhiệm đã trực tiếp lựa chọn cô và giới thiệu cho những phòng trà, café về âm nhạc cho sinh viên tại khu vực Cầu Giấy để biểu diễn.
Thời gian mới vào nghề hát quả thực không hề đơn giản. Là một sinh viên vô danh, không ai chống lưng, lăng xê, Lệ Quyên chỉ được giữ vai trò “hát đệm” (hát lót) hoặc hát thay thế các ca sĩ nổi tiếng trong những buổi biểu diễn.
Không thể đếm được đã bao nhiêu lần khán giả nghe giới thiệu tên ca sĩ “lạ hoắc” Lệ Quyên thì bỏ về giữa chừng, và vô số lần bị hủy sô và mời xuống sân khấu khi đang hát nhiều như cơm bữa. |
Dần dà, kỹ năng và kinh nghiệm ca hát của Lệ Quyên đã được bồi đắp và tích lũy qua những lần “hát lót” như vậy. Giọng hát mượt mà, da diết của Lệ Quyên được các chủ phòng trà để mắt đến nhiều hơn. Cô bắt đầu được biết đến với vai trò ca sĩ chính thể hiện bài hát.
“Một đồn trăm, trăm đồn mười”, tên tuổi Lệ Quyên vang xa không những ở thị trường âm nhạc Hà Nội mà còn cả Sài Gòn. Cái tên “ca sĩ Lệ Quyên” xuất hiện tại những phòng trà trang trọng nổi tiếng như một sự bảo chứng về sức hút của đêm diễn, chinh phục cả những khán giả khó tính nhất.
Trong thị trường nhan nhản những gương mặt và giọng hát hấp dẫn, Lệ Quyên vẫn xây cho mình được một hình tượng rất riêng, không lẫn lộn vào số đông. Đằm thắm – Sâu lắng pha đôi chút kiêu kì là những gì người ta cảm nhận khi nghe cô trình diễn.
Từ đó khán giả bắt đầu gọi cô là: “nữ hoàng phòng trà”, người ta sẵn sàng bỏ số tiền không nhỏ để được thưởng thức giọng ca của Lệ Quyên.
Những đêm diễn của cô thường xuyên “cháy vé” hoặc “hết chỗ”. Thời điểm đó cô chưa có hit của riêng mình mà vẫn chỉ cover lại những ca khúc tủ của các ca sĩ nổi tiếng bấy giờ như: Mỹ Tâm, Phương Thanh, Thu Phương…
Ít ai biết được rằng, mặc dù sau này tên tuổi ca sĩ Lệ Quyên cũng được đánh giá cao trong trường âm nhạc Việt Nam cả về kỹ năng lẫn nội lực nhưng Giải Nhất cuộc thi khoa Văn hóa quần chúng tại trường đại học là cuộc thi duy nhất Lệ Quyên tham gia dưới tư cách thí sinh trong sự nghiệp cầm mic của mình. |
Một trong những sự kiện đưa “nữ hoàng phòng trà” vụt sáng thành ca sĩ hạng A phải kể đến sự ra đời album Vol.1 của Lệ Quyên mang tên: “Giấc mơ có thật”, phát hành năm 2004.
Chỉ vỏn vẹn một album nhưng tập hợp những ca khúc tưởng chừng như được “đo ni đóng giày” cho giọng hát của cô. Khán giả thuộc lòng những hit “made by Lệ Quyên” như: Giấc mơ có thật, Hãy trả lời em, Thôi đừng chiêm bao, Phút giây hạnh phúc.
Trong suốt 4 năm liền, kéo dài từ 2004 cho đến 2008, đi đến bất cứ quán café hay Karaoke cũng dễ dàng bắt gặp những ca khúc của Lệ Quyên.
Phải nói album “Giấc mơ có thật” cũng chính thức biến nữ ca sĩ phòng trà một bước chinh phục giấc mơ trở thành thành ngôi sao ca nhạc nổi tiếng Việt Nam.
Tiểu sử ca sĩ Lệ Quyên
- Họ và tên: Vũ Lệ Quyên
- Nghệ danh: Lệ Quyên
- Sinh nhật: 02.04.1981
- Nơi sinh: Hà Nội, Việt Nam
- Nơi ở hiện tại: Việt Nam
- Quốc tịch: Việt Nam
- Dòng nhạc theo đuổi: Pop Ballad, Bolero
- Facebook: Lệ Quyên
- YouTube Channel: Lệ Quyên
Những ca khúc làm nên tên tuổi
- Giấc mơ có thật
- Lời ăn năn muộn màng
- Trái tim buồn
- Mắc biếc
- Như giấc chiêm bao
- Lời yêu còn mãi
- Nếu như ngày đó
- Lệ Quyên Acoustic
- Khúc tình xưa
- Để nhớ một thời ta đã yêu
- Khúc tình xưa 2
- Trả lại thời gian
- Tình khúc yêu thương
- Con tim dại khờ
- Dòng thời gian
- Khúc tình xưa 3
- Đêm tâm sự
“Nữ hoàng Bolero” trong mắt người hâm mộ
Khi đã có những thành công nhất định với thể loại Ballad, Lệ Quyên bắt đầu có những định hướng nghiêm túc về con đường nghệ thuật của mình. Không chỉ dừng lại với danh vị “nữ hoàng phòng trà”, ca sĩ Lệ Quyên bắt đầu lựa chọn thử nghiệm bản thân sang một địa hạt âm nhạc mới: “Bolero”.
Cô khẳng định đây không phải lựa chọn đầy xốc nổi của bản thân mà là quyết định sau một thời gian dài nghiên cứu lịch sử âm nhạc. |
Khi trả lời báo giới, để nói về Bolero, ca sĩ Lệ Quyên đã rất trong trận và nghiêm túc cho rằng:
“Không phải ngẫu nhiên mà Bolero là dòng nhạc được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích. Bởi đó là hiện thân của cốt cách nghệ thuật người Việt, rất sâu sắc, rất trữ tình, rất da diết. Đó chính là hướng đi âm nhạc mà Lệ Quyên hướng tới”.
Dựa trên tinh thần nghiêm túc và sự trân trọng đó, Lệ Quyên quyết tâm đổi mới bản thân cũng như đầu tư về kỹ thuật hát hơn và nhanh chóng trở thành một hiện tượng âm nhạc “ăn khách” nhất thị trường Bolero.
Ca sĩ Lệ Quyên thắng lớn với hàng loạt album Bolero ăn khách, những bản hit được nhiều người ưa chuộng như: Con đường xưa em đi, Cho vừa lòng em, Thành phố buồn, Sương lạnh chiều đông…
Với thần thái cuốn hút, những bộ cánh lộng lẫy cộng hưởng với giọng hát sâu lắng, đầy chất tự sự và kỹ thuật xử lý đầy điêu luyện, Lệ Quyên đã tạo nên những tuyệt phẩm Bolero của riêng mình.
Tên tuổi của cô nhanh chóng được xếp bên cạnh những ca sĩ Bolero gạo cội khác như: Đàm Vĩnh Hưng, Quang Lê, Đan Nguyên, Ánh Loan…
Một lần nữa, danh xưng “nữ hoàng phòng trà” lại được nâng cấp thành “nữ hoàng bolero” theo cách gọi của giới mộ điệu. Tuy nhiên, ca sĩ Lệ Quyên cho rằng mặc dù mình đã tham gia nghệ thuật tương đối nhiều năm (20 năm) nhưng cô vẫn thấy rằng mình vẫn nhỏ bé và “lọt thỏm” trong danh xưng trang trọng đó.
Bên cạnh sự hưởng ứng nhiệt liệt của người hâm mộ, ca sĩ Lệ Quyên cũng phải đối mặt với không ít lời khen, chê từ những tiền bối trong nghề khi lựa chọn thể hiện Bolero – dòng nhạc được mệnh danh là kén “người nghe” và cả người hát này.
Danh ca Phương Dung đã từng nhận xét có thẳng thắn về Lệ Quyên như sau: “Lệ Quyên thích thì cứ hát chứ tôi cảm thấy cô ấy không hợp với dòng nhạc này. Giọng hát của Lệ Quyên không có cái chất Bolero trong đó”.
Ca sĩ Quang Lê, một người rất nổi tiếng trong lĩnh vực Bolero lại rất thích phong cách trình diễn bolero của Lệ Quyên. Đã nhiều lần anh khẳng định cô là tri kỉ trong âm nhạc với anh. Mỗi khi nghe nhạc của Lệ Quyên, anh đã nhiều lần phải thốt lên tán thưởng: “Câu này Lệ Quyên hát đã quá!”.
Ca sĩ Bằng Kiều nhận xét về thị trường âm nhạc Bolero lại cho rằng: “Hiện tại ở Việt Nam, tôi thích nghe Lệ Quyên hát Bolero nhất!”
Đối mặt với những lời khen chê đó, Lệ Quyên thay vì lựa chọn cách đáp trả ồn ào thì cô lại chọn cách im lặng.
Ca sĩ “Con đường xưa em đi” cho rằng quả thực không ai muốn bị chê, nhưng nếu đã bị chê thì cũng đồng nghĩa với một lời góp ý thẳng thắn mà thôi. Cô chọn cách tiếp thu với tinh thần cầu thị và cố gắng hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Âm nhạc cũng như một bức tranh, người nghe nhạc cũng như những khán giả nhìn ngắm. Tùy vào gu thẩm mỹ mà có người chuộng sắc màu này, có người lại thích nét vẽ kia. Không có tiêu chuẩn riêng nào cho việc hát Bolero thế nào là phù hợp.
Sự hâm mộ và yêu mến của khán giả chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho việc: Hợp hay không hợp mà thôi. Chúng ta hãy cứ nghe, cứ say mê, cứ thưởng thức âm nhạc bằng chính những rung cảm ban sơ của tâm hồn thay vì những định kiến của lý trí. Vậy là đủ! |
Vũ Thị Thanh Huyền