(Nghesiviet.info) – Trong số các nữ ca sĩ hát nhạc cách mạng hiện nay, không thể không kể đến ca sĩ Lan Anh. Cô sở hữu giọng hát đầy nội lực mà vẫn trong trẻo, thanh khiết. Lan Anh được coi là một ca sĩ tài sắc vẹn toàn và được công chúng trong nước vô cùng yêu thích.
Thân thế
Nữ ca sĩ Lan Anh sinh năm 1981 trong một gia đình không có ai theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy nhiên, gia đình vẫn ủng hộ cô hoạt động âm nhạc. Ngay từ năm 4 tuổi, ba mẹ của Lan Anh đã cho cô đi học hát.
Khi lên 5 tuổi thì Lan Anh đã tự tin đứng trên sân khấu thể hiện tài năng của mình. Nhờ sự tự tin và giọng hát trong trẻo, bạn bè và thầy cô đã yêu mến đặt cho Lan Anh biệt danh “chim sơn ca”. |
Có thể nói, sự ủng hộ của gia đình, nhà trường chính là động lực giúp cô vững bước chinh phục hành trình âm nhạc sau này.
Sự nghiệp
Giải thưởng âm nhạc quan trọng đầu tiên mà Lan Anh nhận được là giải nhất cuộc thi Tiếng hát Vàng Anh. Giải thưởng này giống một lời khẳng định mạnh mẽ cho tài năng của cô, khiến cô quyết định sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp.
Thời gian sau đó, Lan Anh liên tục nhận được nhiều giải thưởng cao quý như Giải nhì Giọng hát hay Hà Nội năm 1997, Giải Người thể hiện hay nhất bài hát về người lính và đấu tranh cách mạng trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần thứ 2 và Giải nhất cuộc thi Hát thính phòng, nhạc kịch toàn quốc năm 2001.
Tất cả những giải thưởng này đều là do Lan Anh vô cùng nỗ lực tập luyện, trau dồi kiến thức thanh nhạc.
Lan Anh may mắn được theo học NSND Trung Kiên, một trong những giọng ca cổ thụ của nền nhạc thính phòng Việt Nam. Ông đã kiên trì dìu dắt Lan Anh từ khi cô mới bắt đầu con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. |
Có lẽ bởi vậy mà trong con người Lan Anh, ta luôn thấy thấp thoáng sự cần mẫn, cẩn thận và điềm tĩnh của người thầy Trung Kiên.
Bản thân nghệ sĩ Trung Kiên cũng hết lời khen ngợi Lan Anh:”Lan Anh là một trong số những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Hà Nội, hiện đang theo lớp cao học năm thứ nhất. Theo tôi, Lan Anh là một học sinh thông minh, có nhạc cảm về thanh nhạc. Em cũng là một trong những học sinh mà tôi rất yêu”
Lan Anh thể hiện xuất sắc các nhạc phẩm thuộc dòng nhạc cách mạng. Giọng cô có tính vang, lên cao độ rất tốt mà vẫn mềm mại, trong trẻo. |
Các bài hát tiêu biểu của Lan Anh có thể kể đến là Lời ca dâng Bác, Người lái đò trên sông Pôcô, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Bóng cây Kơnia, Bài ca hi vọng…,. Khán giả và đồng nghiệp nhận xét cách hát của Lan Anh giản dị nhưng cũng không kém phần sang trọng. Vì vậy mà cô có thể chinh phục khán giả nhiều tầng lớp, thậm chí là cả những khán giả vô cùng khó tính.
Sau này, Lan Anh tiếp tục thử sức mình với dòng nhạc cổ điển và thành công ngoài mong đợi. Cô đã tham gia rất nhiều vòng thi tuyển cực kỳ khó khăn trong chương trình hoà nhạc nhân dịp 175 năm kỉ niệm ngày mất của Beethoven do ĐH Gacusen, Nhật Bản tổ chức.
Thật bất ngờ, cô đã trúng tuyển tất cả những vòng đó và trở thành một trong 4 solist thể hiện Bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Khán giả Nhật Bản vốn nổi tiếng là vô cùng khắt khe, khó tính mà cũng bị thuyết phục bởi chất giọng soprano của Lan Anh.
Sau này kể lại, ca sĩ Lan Anh chia sẻ rằng buổi diễn đó cô thành công bởi cô đã dồn hết tình cảm của mình vào bản nhạc, cô quyết tâm mang bản lĩnh của người nghệ sĩ Việt Nam đến với thế giới.
Khác với đa số đồng nghiệp, Lan Anh không ra nhiều album. Sự cẩn thận đã khiến cô ấp ủ album đầu tay “Bài ca hy vọng” và phát hành nó sau nhiều năm biểu diễn. Đến năm 2009, cô mới phát hành tiếp album số 2 mang tên”Hãy yêu nhau đi”. Album này được đánh giá là vừa trẻ trung vừa sâu sắc với nhiều tình khúc lãng mạn. |
Bên cạnh công việc ca hát, Lan Anh cũng làm giảng viên ở Nhạc viện. Với sự trẻ trung, năng động và tâm lý của mình, cô được rất nhiều học trò yêu mến.