(Nghesiviet.info) – Là fan ruột của Nguyễn Nhật Ánh, thuở nhỏ mình từng mừng húm khi “Kính vạn hoa” được chuyển thể thành phim.
Đây là một trong những dự án phim thiếu nhi thành công vang dội, trở thành ký ức kinh điển trong tuổi thơ nhiều thế hệ khán giả Việt. Riêng bản thân mình, có lẽ đã xem đi xem lại “Kính vạn hoa” cỡ… trăm lần. Dù đã phát sóng 20 năm nhưng phim vẫn nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả ở nhiều lứa tuổi.
* Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
“Kính vạn hoa” cũng đặt bệ phóng cho không ít tên tuổi trẻ, song không phải ai cũng gắn bó lâu dài với nghiệp diễn. Họ chọn cho mình một lối đi riêng: Ngọc Trai trở thành bố “bỉm sữa” 2 con, vẫn còn theo đuổi nghệ thuật nhưng không giữ được sức hút; Vũ Long sống kín tiếng với công việc nhiếp ảnh, thiết kế đồ hoạ; Anh Đào thành công với công việc giảng viên đại học, làm mẫu ảnh, quảng cáo nhãn hàng ở nước ngoài…
3 tính cách của Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh đã tạo nên một nhóm bạn vô cùng thú vị. Những câu chuyện về tình bạn, gia đình, đôi khi là những cuộc phiêu lưu được lột tả một cách trong sáng và hài hước, như khi nhìn qua chiếc kính vạn hoa. Mỗi tập phim là mỗi câu chuyện khác nhau. Bên cạnh những tiếng cười tự nhiên, bộ phim còn mang lại những bài học sâu sắc, xúc động và đậm tính nhân văn.
Vào thời điểm những năm 2004, khi Internet mới bắt đầu bùng nổ tại Việt Nam thì các loại công nghệ kỹ xảo làm phim ở nước ta chưa thực sự hoàn chỉnh. Chính vì thế, hình ảnh ma hay những pha hành động trong phim vẫn vô cùng “giả trân”, thế nhưng đối với những đứa trẻ vẫn rất “đáng tin”, hấp dẫn.
Những cảm xúc đan xen, ngồ ngộ của khán giả thiếu nhi như thế trở thành “thước đo” dễ chịu cho bộ phim. Bộ ba nhân vật chính Long, Quý, Hạnh nghĩ sao nói vậy, nhân vật trong phim được lột tả gần gũi đến chân thực, hệt như những người bạn của nhau ngoài đời và những câu chuyện là thật chứ chẳng phải diễn.
“Kính vạn hoa” đưa lên phim nhờ tác giả Nguyễn Nhật Ánh giữ được sự hồn nhiên đúng chất tuổi thơ, đưa ra những vấn đề của chính tuổi thơ, cách suy nghĩ và cách giải quyết của chính tuổi thơ. Nói cách khác, đó là cách nhìn của tuổi thơ.
Trước đây và ngay cả hiện nay, có không ít tác phẩm người lớn thường áp đặt cách giải quyết của mình lên người nhỏ, khiến cho xác thì trẻ con nhưng hồn thì… “già háp”. Nhưng “Kính vạn hoa” thì khác, đạo diễn đã cho phép trẻ thơ được quyền phát biểu theo cách nói của chúng, theo cách nhìn của chúng! |
In The Mood For Showbiz (thảo luận)