(Nghesiviet.info) – Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi được xem là thế hệ vàng trong làng đạo diễn sân khấu nửa cuối thế kỷ 20. Ông là người có công lớn trong việc chuyển thể các tác phẩm văn hóa lên sân khấu kịch nói. Ông dành cả đời vào việc xây dựng và hoàn thiện loại hình sân khấu của dân tộc. Vị đạo diễn tài ba đã hết lòng vì nghệ thuật, ông là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa vĩ đại.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1928 tại Hải Phòng. Ông là con trai cả của nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu đại tài Thế Lữ. Chính vì thế, mà tình yêu với sân khấu luôn chảy trong huyết quản của vị đạo diễn đáng kính. |
Nguyễn Đình Nghi từng theo chân gia đình lên Việt Bắc tham gia vào kháng chiến chống Pháp. Thời gian này ông hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng và có cơ hội lưu diễn khắp nẻo đường từ Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên…
Thế hệ đạo diễn vàng được lựa chọn tu nghiệp tại Bắc Kinh và Liên Xô
Năm 1954, khi hòa bình lặp lại tại miền Bắc, công cuộc kiến thiết và xây dựng nước nhà được khởi động khắp mọi phố xá. Nhà nước chủ trương cử nhân tài sang các nước khác để học tập và rèn luyện. Trong đó chuyên ngành đạo diễn sân khấu là được ưu tiên hơn cả.
Và thế hệ vàng thời điểm đó bao gồm những cái tên như GS.TS.NSND, đạo diễn Đình Quang; NSND, đạo diễn Trần Hoạt; NSND, đạo diễn Ngô Y Linh; NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi; đạo diễn Trường Nhiên…
Nguyễn Đình Nghi được tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc, những tiến bộ về đạo diễn, dựng phim, nghệ thuật chuyển thể từ nước bạn. Ông là một trong những đạo diễn lớn có vốn chuyên môn văn hóa Pháp, Liên Xô và Trung Quốc cực kỳ phong phú. |
Việc được học tập và rèn luyện tại một trong những cái nôi lớn nhất Thế giới là Trung ương hí kịch Học viện Bắc Kinh và Học viện Sân khấu Lunatsaxki ở Matxcơva giúp Nguyễn Đình Nghi phát triển vượt bậc hơn. Ông cảm nhận sâu sắc về vai trò của sân khấu đối với văn hóa dân tộc. Nguyễn Đình Nghi xác định: “Sân khấu bao giờ cũng là bộ mặt văn hoá của một đất nước”.
Người đặt những viên gạch đầu tiên kiến tạo ngôi nhà sân khấu kịch nói Việt Nam
Nhà thơ Thế Lữ là một trong những ngọn cờ đầu trong phong trào Thơ mới. Cũng chính ông là người có công du nhập văn hóa kịch nói vào Việt Nam. Hiểu được tâm nguyện của đấng sinh thành, Nguyễn Đình Nghi mong mỏi có thể mang văn hóa hiện đại vươn xa, bay cao hơn nữa. |
Cùng với các loại hình sân khấu truyền thống Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch Dân ca, Rối, Xiếc, Kịch nói đã có những bước phát triển rực rỡ. Đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi đã có công tiếp nhận ngọn lửa vừa được thắp sáng để đưa nó đi xa, toả sáng trên sân khấu khắp cả nước.
Là một người có tâm niệm sống với sân khấu, chết cùng sân khấu, Nguyễn Đình Nghi luôn cố chấp với các tác phẩm của mình. Trong suốt 40 năm theo nghề, ông dành cả tâm huyết cuộc đời vào một việc, và chỉ duy nhất một việc, đó là đạo diễn sân khấu. |
Nguyễn Đình Nghi đã cho rằng: “Đạo diễn sân khấu giỏi nghề phải là người có sức biện biệt văn học thật lớn, mới ‘giải mã’ kịch bản theo cách riêng độc đáo của mình”.
Cái khó của nghề đạo diễn là phải đọc và hiểu cho đến tận ‘đáy chữ’, ‘bóng chữ’ của kịch bản văn học, thì mới có thể chuyển tiếp từ chữ nghĩa ‘phi vật thể’ của kịch bản văn học thành ngôn ngữ dàn cảnh ‘hữu thể’ là vở diễn của đạo diễn sân khấu.
Mỗi tác phẩm được Nguyễn Đình Nghi dựng lên đều mang vóc dáng của một vở kịch vĩ đại
Trong suốt cuộc đời làm sân khấu của mình, các tác phẩm của Nguyễn Đình Nghi không nhiều. Ông không quan tâm đến số lượng, cái ông hướng đến là cái ‘chất’ trong từng vở kịch.
Đó là lý do mỗi một lần tác phẩm của Nguyễn Đình Nghi công chiếu, tất thảy đều nghiêng mình thán phục về tài năng của vị đạo diễn tài hoa xuất chúng này. Từ đây chúng tôi xin gọi ông là ‘Tượng đài của sân khấu kịch nói Việt Nam’. |
Con nai đen, Tiếng sấm Tây Nguyên, Cơ sở trắng, Âm mưu và hậu quả, Đại đội trưởng của tôi, Hình và bóng, Con cáo và chùm nho, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Hồn Trương Ba, da Hàng Thịt, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Hernani, Rừng trúc, Nguồn sáng trong đời… Tất cả đều mang dáng dấp của một tác phẩm lớn, đánh dấu một thời vàng son của kịch nói Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi – một nhân cách lớn và những nỗi niềm về sự thoái trào của sân khấu dân tộc
Một người dành cả cuộc đời cho sân khấu kịch nói như Nguyễn Đình Nghi luôn tâm niệm về cái nghề của mình. Ông kiên trì tìm sự thăng hoa, bay bổng của sân khấu Việt Nam trong các kinh nghiệm quý báu của mình. |
Nguyễn Đình Nghi rất sợ những người coi nghề đạo diễn, diễn viên chỉ là một cái máy thực hành những thao tác đã được lập trình sẵn cho mọi vai diễn, vai diễn mà không có cảm hứng và khoái cảm sáng tạo, thì thà đừng diễn.
Đạo diễn nổi tiếng Nguyễn Kiểm, người học trò của Nguyễn Đình Nghi từng chia sẻ: “Thầy là một đạo diễn uyên bác, có phương pháp làm việc cẩn trọng, ân cần, đầy lòng thương yêu và tôn trọng đồng nghiệp vẫn tươi mới và gần gũi; Hình vóc, cốt cách của người nghệ sĩ bậc thầy vẫn in đậm trong tâm trí tôi”.
Những năm cuối đời, giữa lúc sân khấu kịch nói đang lao đao và dần đánh mất niềm tin yêu của khán giả, vị đạo diễn tài hoa trăn trở về viễn cảnh lụi tàn của loại hình ông dành cả đời để gìn giữ.
Nhưng dù thời cuộc có đổi thay, chúng tôi, những người con của đất nước vẫn kính cẩn gửi lời cảm ơn đến ông, một nhân cách lớn của văn học và nghệ thuật dân tộc.
Xem thêm: Tiểu sử đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi
- Họ và tên: Nguyễn Đình Nghi
- Sinh nhật: 1928.
- Năm mất: 2001.
- Dân tộc: Kinh.
- Nguyên quán: Hải Phòng.
- Nghề nghiệp: Đạo diễn sân khấu – Nhà viết kịch – Diễn viên sân khấu.
Thành tựu trọn đời
Nghệ sĩ Ưu tú năm 1984.
Nghệ sĩ Nhân dân năm 1988.
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012 cho các vở diễn Hồn Trương Ba da hàng thịt, Rừng trúc, Nguồn sáng trong đời, Nguyễn Trãi ở Đông Quan.