(Nghesiviet.info) – Người ta nói rằng, các ca khúc của Quốc Việt là ‘tầm phào’, là sáo rỗng và chẳng mang chút dư vị của nghệ thuật. Nhưng với những người có độ cảm sâu sắc về âm nhạc, nó lại là một nhận định hoàn toàn khác. Vũ Quốc Việt chính là vị nhạc sĩ gàn dở chỉ thích làm những chuyện ‘khác người’. Và chẳng ai ngờ, những chuyện ấy lại thành công như thế.
Vũ Quốc Việt sinh ngày 29 tháng 12 năm 1979 tại tỉnh Phú Yên. Sự nghiệp âm nhạc của Việt khá bôn ba, vất vả khi anh phải bươn chải rất nhiều nghề khác nhau.
Trải qua một thời gian dài với nhiều chông gai, cuối cùng, anh cũng gặt hái được thành công. Những bài hát gắn liền với tên tuổi nam nhạc sĩ như Anh không như bao chàng trai khác, Bà Năm, Bẽ bàng, Bình thường thôi, Cảm ơn em Sài Gòn…
Hành trình gian nan trên con đường đi tìm vùng ‘đất lành’
Vũ Quốc Việt sinh ra trong một gia đình khá giả tại tỉnh Phú Yên. Cha anh là một nha sĩ khá nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Là con út trong nhà, Việt nhận được sự yêu thương, đùm bọc từ người thân.
Anh từng tâm sự, người nuôi dưỡng nên tâm hồn thi sĩ ở anh chính là người cha đáng kính này: “Tôi yêu văn thơ, học giỏi văn và cứ mãi miên man về cái đẹp của sự lãng mạn là nhờ kho sách quý giá của cha”.
Mọi việc sẽ êm đềm như vậy cho đến năm 15 tuổi, một biến cố lớn đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Vũ Quốc Việt. Tai nạn nghiêm trọng năm đó khiến anh phải hôn mê suốt hai tháng. Từ một học sinh chuyên văn với tương lai sáng lạn, việc học của anh dang dở, con đường tiếp theo cũng trở nên gập ghềnh hơn.
Đến năm 20 tuổi, Vũ Quốc Việt rời Phú Yên vào thành phố Hồ Chí Minh với hy vọng tìm về ‘miền đất hứa’. Hành trang khi đó của nam nhạc sĩ chỉ có chiếc balo sờn rách, cũ kỹ. Anh lặn lội suốt ba ngày ba đêm trên nhiều chuyến xe mới có thể đặt chân đến vùng đất ‘phồn hoa’ này.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng
Vùng đất Sài Gòn hoa lệ ấy luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với nhiều người. Nhưng để trụ lại được ở đây là điều không hề dễ dàng.
Để thực hiện được ước mơ sống chung với âm nhạc, anh phải trầy trật với nhiều nghề khác nhau từ phụ hồ, bồi bàn, sửa xe đến may gia công. Bất cứ việc gì kiếm được tiền, anh đều sẽ làm.
Được giới thiệu đệm đàn cho nhiều sân khấu như Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình, công viên Hoàng Văn Thụ, Rex, nhà hát Hòa Bình… Anh khao khát được đứng trên sân khấu như một ca sĩ thực thụ, dù đó chỉ là một lần…
Cái ý chí quật cường của chàng trai trẻ không cho phép anh đầu hàng trước số phận. Vừa đi học, vừa đi làm, cuối cùng Vũ Quốc Việt cũng tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và chính thức bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
“Tình ca lãng mạn mới là lối đi chính của tôi” – Vũ Quốc Việt
Bởi sự từng trải và lăn lộn nhiều năm khiến Vũ Quốc Việt có một vẻ ngoài rất ‘đời’ và cũng khá ‘già’ trước tuổi. Anh sáng tác và bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý.
Thời kỳ đâu, Việt tập trung vào những nhạc phẩm giàu cảm xúc, mang nét đẹp của âm nhạc chính chuyên. Đó là những ca khúc có giá trị nhân văn và tính nghệ thuật khá cao nhưng lại kén khán giả.
Còn đó chút hồng phai, Mãi cho em mùa xuân, Một lần và mãi mãi, Hãy hát lên… chính là các sáng tác tiêu biểu của Vũ Quốc Việt. Anh được yêu mến bởi sự ‘e thẹn’, ‘ngại ngùng’ và chất chứa nhiều nỗi niềm.
Thời gian được tôi luyện qua trường lớp đã giúp anh có được vốn kiến thức vững chắc cho những bước tiến lớn trong sự nghiệp. Các bản tình ca như thể ‘rót mật vào tai’ ấy khiến người nghe ‘thấm đẫm’ một nỗi sầu miên man. Đó có thể là tiếng suối róc rách, tiếng thì thầm của núi rừng hay lời nỉ non của người con gái….
Nhạc sĩ ‘tầm phào’ với những bản ‘nhạc nhảm’ làm sáng bừng cả những con phố tăm tối nhất
Nhưng đột nhiên, Việt chuyển hướng. Anh lựa chọn những bài hát mà theo nhận định của giới chuyên môn chính là ‘sự đi xuống của nghệ thuật’.
Khi thấy Vũ Quốc Việt sáng tác và à ê mấy ca khúc gây sốc kiểu Tâm sự hai người đàn ông, Sến, Một lần nữa tôi bị lừa, Người yêu vô tâm… thì nhiều người đã nghĩ rằng anh hết thời. Ngay cả người bạn thân thiết của Vũ Quốc Việt, nhà thơ Đỗ Trung Quân cũng từng phản đối kịch liệt khi lắng nghe Tâm sự hai người đàn ông.
Nhưng với nhạc sĩ người Phú Yên, đó là lại quyết định sáng suốt nhất mà ông từng làm. Vì từng là người sống ở tầng lớp lao động nghèo, trái tim chàng nhạc sĩ luôn hướng về tầng lớp bình dân ấy.
Anh ‘đau đáu’ một nỗi khắc khoải phải làm nên một thứ âm nhạc ‘đơn thuần’ nhất, ‘trực diện’ nhất. Thứ âm nhạc chỉ với mục đích giải trí, nghe hay, nghe vui, chứ không cần suy ngẫm, không cần đắn đo.
Thế là Việt tìm đến Ưng Hoàng Phúc. Theo chia sẻ của anh thì: “Tôi chủ động tìm tới Ưng Hoàng Phúc vì Phúc là ‘ông vua’ của thể loại nhạc đó. Và đó là giai đoạn khó tả trong cuộc đời tôi: ‘nhạc nhảm’ của Vũ Quốc Việt vang lên mọi ngõ ngách, có những nơi điện đèn hạn chế vẫn nghe người ta nghêu ngao Tâm sự hai người đàn ông”.
Thành công cứ đến một cách nhẹ nhàng như thế, người đàn ông vươn lên giữa muôn vàn khó khăn đã khẳng định được chỗ đứng của mình. Giờ tôi mới thấm rằng, ‘lò luyện thép’ Sài Gòn có thể mài giũa nên những con người ‘tài hoa’ nhất.
Ca khúc Chuyện từ những con đường chính là lời tri ân mà nam nhạc sĩ dành cho mảnh đất đã nâng bước thành công cho anh. Nơi đây chứa đựng những cơ hội, thách thức và sự bao dung cho những va vấp của những người con xa xứ.
Vũ Quốc Việt chia sẻ: “Mỗi con đường trong thành phố mang một nét đẹp riêng, chứa đựng vô vàn những câu chuyện về cuộc sống, con người mà không phải ai cũng biết. Có những con đường, ngày nào bạn cũng đi qua, nhưng không có thời gian dừng lại ngắm nhìn những nét đẹp trên đường phố. Đó là cảm hứng để tôi sáng tác ca khúc này. Đây cũng là lời cám ơn dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đã vun đắp niềm đam mê nghệ thuật trong tôi.”
Xem thêm: Tiểu sử nhạc sĩ Vũ Quốc Việt
- Họ và tên: Vũ Quốc Việt
- Sinh nhật: 29.12.1979
- Dân tộc: Kinh
- Nguyên quán: Phú Yên
- Nơi ở hiện tại: Thành phố Hồ Chí Minh
- Học vấn: Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh
- Nghề nghiệp: Nhạc sĩ – Ca sĩ
- Facebook: Vũ Quốc Việt