(Nghesiviet.info) – Hầu như ở nông thôn nước mình, bạn nhỏ nào cũng lớn lên bằng những roi đòn và lời mắng từ cha mẹ. Nếu bạn là đứa trẻ lớn lên như thế, vậy thì trong hành trình học cách yêu lấy chính mình, bạn sẽ chọn rời xa “cha mẹ độc hại” hay chậm rãi ngắm nhìn để thấu hiểu họ hơn?
Tổn thương từ quá khứ hình thành nên tính cách con người tôi
Từ năm 18 tuổi, tôi rời quê đi Sài Gòn học Đại học. Là một người từng mang nhiều tổn thương trong thời thơ ấu, tôi rất thoải mái vì được rời khỏi gia đình, thoát khỏi những kiểm soát khắt khe. Nhưng đồng thời cũng từ ngày tháng đó, tôi phát hiện được những tính cách khác biệt của bản thân mà trước đây tôi chưa từng nhận thấy.
Tôi là một đứa nóng tính và cứng đầu. Tôi nghĩ rằng quan điểm của mình luôn luôn đúng. Bao năm đi học, tôi vẫn là đứa giỏi nhất trường làng, thầy cô quý mến và chưa từng nói rằng tôi có quan điểm sai hay tư duy không đúng. |
Thế nên tôi cực kì khó chịu khi ai đó thể hiện rằng họ có suy nghĩ trái ngược với mình. Và tôi luôn bày tỏ ra sự khó chịu đó, bằng mọi cách làm rõ, đối chiếu, bằng mọi cách để họ phải thay đổi góc nhìn và công nhận là họ sai.
Khi tôi làm trưởng nhóm và được giao vai trò quản lý, tôi cho rằng mọi người còn lại chỉ có thể làm theo ý kiến của mình thì mọi thứ mới đi đúng hướng, và kết quả cuối cùng mới đạt được như mong đợi.
Bất kể ai nói tôi không làm được điều gì, hoặc là điều gì đó tôi đã sai, thì bằng mọi cách tôi sẽ chứng minh cho họ thấy rằng mình làm được, và tôi chưa từng sai bao giờ. Tôi nhìn thấy hình ảnh một người gia trưởng và nóng tính, đã từng ám ảnh tuổi thơ tôi – nay tồn tại trong bản thân mình.
Đối với bạn bè, tôi khá là e dè với những chuyện cá nhân. Tôi chưa từng thổ lộ, hay tâm sự chuyện của mình với đám bạn, dù chúng tôi khá là thân nhau. Buổi tám chuyện hầu như xoay quanh học hành, công việc và những khía cạnh cuộc sống “của bọn nó”, chưa bao giờ là “của tôi”.
Tôi không biết khi yêu thương một người thì mình phải làm như thế nào, đâu mới là biểu hiện của sự quan tâm chăm sóc. Trừ khi người khác nói ra và họ bảo là họ cần, bằng không rất khó để tôi bắt nhịp được điều đó.
Tôi rất nhạy cảm với phản ứng của người khác. Chỉ cần họ cau mày, lớn tiếng với tôi một chút thì cũng đủ làm tôi bật khóc và cảm thấy uất ức. Dù đôi lúc đó chỉ là những trạng thái bình thường của họ, chứ không phải đang la mắng hay trách cứ gì tôi.
Ban đầu khi cảm nhận được những biểu hiện đó, tôi liên tưởng chúng với biểu cảm và giọng nói đầy tức giận, cả những trận đòn roi toét mông ngày bé. Mãi về sau dù không còn nhớ đến những lúc bị đánh đòn, nhưng cơ thể vẫn run lên bần bật, nước mắt vẫn kéo nhau ùa ra, mỗi khi tai nghe thấy tiếng mắng chửi lớn giọng hướng đến mình… Cơ thể tôi đã phản ứng trong vô thức. |
Những điều khiến tôi thay đổi
Hơn 17 năm đầu đời, à không là 12 năm đi học, cũng là từ cột mốc có thêm 2 đứa em gái xuất hiện trong đời mình, thì tôi chưa hề thấy bản thân được gia đình yêu thương.
Nhưng từ năm 18 tuổi, khi rời xa gia đình, tôi mới phát hiện rằng: thì ra cha mẹ cũng lo lắng và nhớ thương mình đến vậy. |
Suốt mấy tháng đầu tiên, mỗi ngày mẹ đều gọi điện thoại hỏi thăm ngày hôm nay của con gái như thế nào, có đi học không, có ăn cơm đầy đủ không, có thiếu thốn thứ gì không để mẹ gửi lên, để mẹ dặn anh Hai mua mang qua cho.
Lúc đó tôi vẫn chưa biết chạy xe máy, chỉ đi học và về nhà trên những chuyến xe buýt gần 1 giờ đồng hồ. Tôi còn lạ lẫm với Sài Gòn, chưa có bạn bè, chưa đặt chân đến nơi nào khác ngoài kí túc xá và trường học.
Những ngày đầu tôi đã khóc vì cô đơn và buồn tủi. Tôi vẫn ngại kể cho mẹ rằng những điều tồi tệ gì đã đến với mình khi ấy. Tôi chỉ dám nói về những niềm vui trong ngày, cũng chẳng dám nói rằng mình nhớ nhà nhớ mẹ đến thế nào.
Sau hai tháng đầu tiên, tôi được nghỉ vài ngày nên sắp xếp về quê. Xe càng chạy gần đến nhà, lòng tôi càng gợn sóng. Tôi đưa tay giả bộ dụi mắt nhưng thật ra là để lau đi mấy giọt nước đã lăn ra chưa kịp kìm lại.
Về đến nhà tôi tươi cười nhộn nhịp, mang bánh trái ra khoe với mấy nhỏ em, nói với mẹ về chuyến đi của mình – như là đợi xe mất bao lâu, rồi chú xe ôm ra đón thế nào.
Chiều hôm đó tôi bảo với mẹ rằng mình thèm canh chua cá lóc, thế là sáng ngủ dậy tôi đã nghe thấy mùi thơm quen thuộc mà mấy tháng qua chưa hề cảm nhận được. Đợt đó về nhà cũng là lần tăng cân kỷ lục trong đời của tôi.
Những lần về nhà tiếp theo, tôi mới nhận ra có nhiều sự thay đổi. Hai đứa em nhỏ xíu năm nào nay đã cao lớn hẳn lên. Cha mẹ ngày càng gầy, da đã nhăn nheo lại. Những vết đồi mồi đã phủ lấy đôi tay trắng mịn ngày nào của mẹ. Sợi tóc trắng tinh đã dần phủ kín khắp mái đầu của cha. Tôi chợt giật mình, liệu rằng mình còn bên cạnh và yêu thương gia đình được bao lâu nữa? |
Tôi đã nghiêm túc nhìn ngẫm lại
Từ những cảm giác thiếu thốn tình cảm, hay trách cứ vì không được quan tâm và bị kiểm soát quá mức bởi gia đình, tôi tạm dừng mọi thứ lại để “zoom-in” và nhìn rõ hơn những gì mình đã trải qua.
Tôi lần lượt nhớ về những câu chuyện đã qua. Ví như thằng Cu trong xóm chỉ biết ăn chơi, cờ bạc, đá gà, bỏ bê học hành, cũng chẳng chịu chí thú làm ăn, tài sản gia đình để lại có bao nhiêu cũng đi theo tiếng gọi của đỏ đen con bạc. Ví như con Tư nhà ông Tám, chơi bời tụ tập gái trai, rồi lỡ có mang với thằng Bảy xóm trên, ông Tám phải đau lòng gả đi đứa con gái chưa tròn hai mươi tuổi.
Phải chăng cha mẹ lo lắng tôi cũng đi vào những vết xe đó, sợ tôi lông bông hư hỏng, rồi đánh mất cả cuộc đời khi còn quá trẻ. Cha mẹ kèm cặp tôi đủ điều, cũng là vì muốn tôi không đi lạc đường, muốn tôi được sống vui khỏe, ấm êm mà thôi. |
Có lần tôi nghe được mấy câu trong cuộc điện thoại đường dài của mẹ và dì Bảy, mẹ hờn dỗi chuyện năm xưa, sao mọi việc trong nhà ngoại đều một tay mẹ đảm đương, cậu Út thì chơi bời lêu lỏng mà sao ông ngoại chưa từng sai bảo cậu Út phụ một việc gì, việc nặng việc nhẹ chỉ để mình mẹ gánh vác…
Thì ra mẹ cũng đã chịu đựng một tuổi thơ vất vả, mẹ cũng đã chịu đựng sự ấm ức khi làm một đứa con gái trong gia đình truyền thống.
Mẹ đã chẳng được ôm ấp yêu thương, nên mẹ cũng không biết thế nào để mở lòng và chia sẻ khi con gái chẳng còn bé nhỏ nữa. Phải chăng vì thế nên mẹ nghĩ rằng “thương cho roi cho vọt”, chỉ có nghiêm khắc thì mới răn dạy được con cái nên người? |
Khi chuyện kết hôn của tôi đã được định đoạt, mọi người ở nhà mới nói nhiều hơn về việc làm dâu. Cha mới cười bảo rằng, “Mẹ mày có làm dâu ngày nào đâu mà biết!” Rồi tôi cũng hồi tưởng lại những mảnh ghép rời rạc đã được kể từ tấm bé. Cha bỏ nhà đi buôn từ năm chín tuổi, kể từ đó cho đến lúc lấy vợ rồi có con, chưa ngày nào cha về ở lại nhà nội, chỉ là những lần ghé thăm, giỗ chạp, rồi lại đi về nhà riêng.
Những gì cha mẹ có hôm nay là đi lên từ đôi bàn tay chai sần cùng tấm lưng rám nắng. Cha mẹ sinh và nuôi lớn đàn con bằng cảm nhận của mình từ thuở ấu thơ. Và cha mẹ tôi cũng chỉ là lần đầu làm cha mẹ, họ đã cố hết sức chăm lo theo bản năng của mình, họ mong muốn con cái được đủ đầy, không phải nhọc nhằn, thiếu thốn như bản thân ngày trước.
Phải chăng cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng, mong muốn và nhu cầu của con cái bây giờ cũng chính là được học hành tử tế, được đủ đầy và ấm êm, như chính ước mong của họ. Vậy nên tất cả những gì họ làm cũng chỉ xoay quanh mục tiêu đó.
Họ mặc định cho rằng đó cũng là mục tiêu sống của con mình, họ bỏ qua những lời tâm sự dành cho con, và cũng vô tình bỏ quên niềm mong ước khác của đứa trẻ. Mọi thứ chỉ là vô tình. Họ đang nỗ lực cố gắng vì tương lai đó, nên cũng đặt kỳ vọng rằng con cái sẽ ngoan ngoãn vâng lời, tuân theo con đường họ đã vạch ra.
Ký ức theo đó mà lật mở từng trang trong vô thức. Tôi nhớ lại câu chuyện rằng, cha mẹ cũng đã mong có đứa con gái đầu lòng. Thế nên khi mang thai lần đầu, ngày siêu âm biết là có con trai đầu tiên, cha mẹ đã bỏ ra về thay vì hào hứng đi sắm sửa như ý định của buổi sáng hôm đó.
Những năm sau đó, cha mẹ cũng mong chờ con gái. Và trước khi tôi chào đời, mẹ đã bị sảy thai hai lần. Thế thì khi biết có được tôi – đứa con gái đầu tiên, cha mẹ đã mong chờ xiết bao, và nâng niu chăm bẵm đến thế nào! |
Tôi nhớ về những tấm hình lúc bé. Ngày đó, mỗi năm phải có đến mấy lần, mẹ may cho tôi những bộ đầm váy mới, dắt tay tôi đến tiệm chụp hình của một chú thợ quen trong xóm.
Vì là khách quen, nên chú cũng rất thích tôi, luôn chuẩn bị cho tôi những concept chụp ảnh lung linh, cho ra đời những bức hình xinh xắn mà tôi và mẹ vẫn giữ đến giờ. Tôi còn nhớ những cuộn băng truyện cổ tích và đĩa hát bé Xuân Mai, có đêm mưa giông sấm giật mà cha vẫn ngược đường mua về làm quà cho cô con gái nhỏ. |
Mặc dù cha mẹ chỉ dạy rằng tôi phải biết khiêm tốn, cũng chưa bao giờ khen thưởng tôi quá nhiều, thế nhưng lâu lâu tôi vẫn được nhắc tên trong các cuộc nói chuyện của cha mẹ với xóm giềng, dòng họ.
Chị dâu tôi kể lại rằng, lần đầu về quê chơi, chị nghe mẹ kể về tôi với giọng điệu rất ư là tự hào. Nào là ‘chiến tích’ 12 năm liền là học sinh giỏi, từ năm lớp 2 chưa bao giờ rớt xuống hạng nhì. Nào là những cuộc thi tôi đã tham gia, những lần được lên ti vi, cùng với bao bằng khen lấp đầy tủ kính.
Tôi cũng thi thoảng nghe được câu chuyện của cha với các bác các chú, khoe rằng tôi đã tốt nghiệp đại học, công ăn chuyện làm ổn định ra sao, rồi giờ thương cha thương mẹ nên về quê đỡ đần.
Tôi chợt thấy những suy nghĩ năm xưa của mình sao mà ích kỷ quá, may mà mình đã không vụng dại để lộ ra lời trách mắng, mà cứ âm thầm cố gắng từng ngày, để đi đến được ngày hôm nay. |
Những lựa chọn của tôi “ ”
Khi đã gần như nhìn thấu được mọi thứ, cả bức tranh toàn cảnh lẫn những nỗi niềm nhỏ nhặt mà cha mẹ không kể ra, tôi đã dũng cảm đối mặt với chính mình, lựa chọn không trách cứ nữa mà tập chấp nhận, xem như đó là một phần cuộc sống để có được mình của ngày hôm nay. |
Thay vì chống đối, cãi vã để đòi hỏi được làm theo ý mình, tôi chọn nương theo những quyết định của cha, hợp tác khi cha muốn kiểm soát.
Trong quá trình đó, tôi bình tĩnh cho cha thấy những đúng sai trong cách làm ban đầu, cùng những minh chứng cụ thể mà mình đã phát hiện ra, đề xuất giải pháp dưới góc nhìn khách quan nhất. Để cha thấy rằng tôi đã đủ bình tĩnh để đối mặt với khó khăn, đã biết lắng nghe và biết cách kiểm soát từng bước đi của cuộc đời mình. Dẫu biết rằng ở phía sau, cha sẽ vẫn như thế, vẫn sẽ chẳng bao giờ yên tâm và không thể nào ngừng lo lắng cho các con.
Thay vì vô tâm, tôi lựa chọn quan tâm nhiều hơn đến sở thích và cảm nhận của mẹ ở hiện tại. Tôi vun vén cho những điều mẹ yêu thích, bù đắp những mất mát trong quá khứ của mẹ – dù biết là chỉ được chút xíu xiu.
Tôi mở lòng mình ra để gửi trao sự yêu thương, chia sẻ, và học cách trở thành một người bạn với mẹ. Mẹ đã không còn bận rộn ngược xuôi như trước, nên mẹ cũng bình tĩnh và tươi cười nhiều hơn. |
Những ngày tháng quay về ở chung với gia đình cũng cho tôi điều kiện gần gũi hai đứa em gái nhiều hơn. Tôi tâm sự và hỏi han mọi ngóc ngách trong cuộc sống của bọn nhỏ dưới vai trò của một cô chị gái ‘tâm lý’, sẵn sàng hỗ trợ em mình.
Tôi đáp trả mọi thắc mắc của chúng, bằng tất cả sự hiểu biết của mình. Tôi vẽ ra cho hai cô bé một vài hướng đi mà tôi cho là ổn nhất, và cũng trao cho hai bé niềm tin, để chúng tự đưa ra lựa chọn và quyết định cuộc đời mình.
Về mặt tích cực, tôi như đã lấy lại được sự gần gũi với gia đình nhiều hơn. Nhưng sâu thẳm bên trong tôi còn tồn tại những vết sẹo xưa cũ vẫn chưa hề phai nhạt.
Tôi đã lựa chọn tập trung sống cho hiện tại, nhìn về hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn phía trước. Còn những ký ức buồn tủi thuở ấu thơ, dù đã hiểu nguyên nhân nhưng sao vết thương vẫn còn đó, vẫn đau nhức khi tôi nhớ về.
Tôi hy vọng rằng những tháng ngày sắp tới, tôi sẽ học được cách chữa lành chúng, để có thể an nhiên và tận hưởng hạnh phúc bên gia đình, cả ở gia đình nhỏ sắp tới của tôi nữa.
Bước ra từ những tổn thương và chưa hề lành lặn, nhưng tôi vẫn quay về để một lần nữa nhìn rõ và yêu thương gia đình mình hơn. Đó là lựa chọn của tôi – lựa chọn yêu lấy gia đình mình, yêu thêm tuổi thơ mình thay vì bỏ mặc và rời xa họ. |
Còn bạn, bạn đã đưa ra được lựa chọn của mình chưa?
Minh Thuy (Cái Bè, Tiền Giang)