(Nguyễn Hữu Chiến Thắng) – Nói về nhạc Phạm Duy, “một lời cũng là thừa, ngàn lời cũng là thiếu”. Nhạc sĩ Phạm Duy được vinh danh là “mặt trời của Tân nhạc Việt Nam” là “ông hoàng tình ca Việt” là những “mỹ từ” gì đi chăng nữa, với khán giả vẫn là không đủ, không bao quát hết tài năng âm nhạc của ông.
Phạm Duy viết tình ca như “bổn phận”, một bổn phận thiết thân của người nghệ sĩ lãng mạn với đời sống và nhân gian.
Ông viết tình ca cho nhiều lứa tuổi, có thứ “tình ca ấp úng”, có dòng tình ca cho tuổi ô mai, lại có những bản tình ca cho những người đã trải đời, đau tình. |
Cho ai đi nữa thì tình ca Phạm Duy cũng tha thiết yêu đương. Thế là trọn một cuộc đời từ người tình bỏ quên cây đàn “hôm xưa tôi đến nhà em” cho tới khi làm “người tình già trên đầu non”.
Có một loại ca mà chính tác giả – nhạc sĩ Phạm Duy gọi là “Dân ca”.
Ông viết những bản dân ca ấy trong thời kỳ đầu của cuộc chiến kháng Pháp, và thảng hoặc sau này người nghe còn bắt gặp đâu đó. Phạm Duy diễn tả tấm tình đơn sơ và nồng hậu, những tấm tình nghèo của những bà mẹ quê, em bé quê, vợ chồng quê…
Ông sử dụng chất liệu của âm nhạc dân gian thật tài tình, tài tình đến nỗi người nghe thấy bài hát thật quen, quen lắm, như những lời ru à ơi, nhưng tách bạch ra đó là dân ca vùng miền nào thì…chịu.
Cũng không cần phải đặt tên dài dòng bác học chơi chữ kiểu “dân gian đương đại”, tác giả chỉ gọi đó là “Dân ca”. Sẽ có người vặn vẹo: “Dân ca là những tác phẩm âm nhạc truyền miệng không rõ tác giả.”
Nhạc Phạm Duy không câu nệ lý thuyết, cũng như đời ông không vướng víu vào một chủ thuyết nào. Dân ca là những ca khúc ông viết về những người bình dân, cho những người bình dân…nhưng giá trị nghệ thuật của những khúc ca ấy không bình dân chút nào. |
Và rồi những chất liệu dân ca ba miền đã theo vào những trường ca, tô màu “đặc trưng Việt Nam” lên những tác phẩm “bác học”.
Chỉ nguyên việc làm người tình chung thủy với những cuồng điên hay tuyệt vọng cũng đủ nhạc Phạm Duy được nhân gian yêu thương.
Nhưng không, nhạc của ông là ngàn lời ca bổng trầm cùng “khóc cười theo vận nước nổi trôi”. Ngay cả trong tình ca cũng có bom rơi đạn nổ, có “quê hương mịt mù khói súng”.
Khi các nhạc sĩ cùng thời còn đang say mê nhạc hùng, thì ông tìm lối rẽ với nhạc tình, bởi một lý do đơn giản: “Chiến cuộc dù dài tới đâu cũng chỉ mang tính thời đoạn. Người Việt Nam phải trở thành những anh hiền chứ không thể mãi là những anh hùng”. Đó mới là lý do tạo nên nét nhân bản và cũng là giá trị vĩnh cửu của âm nhạc Phạm Duy. |
Một ngày nào đó đã xa, tôi được giao quay một phóng sự với nhân vật chính là ông – nhạc sĩ Phạm Duy.
Ông chọn một chiếc jacket màu đỏ tươi với quần jeans bạc màu. Có một phân đoạn ông về nhà cũ ở Hàng Dầu, số nhà 39, ông lắc đầu: “Tôi không nhận ra nhà mình nữa, cậu ạ. Chẳng còn gì”. Ông bảo: “Ta đi ra Hồ Gươm và Nhà thờ St Joseph đi! Hồi nhỏ, tôi hay lang thang ra đó”.
Với một người như Phạm Duy, người nhạc sĩ khiêm tốn nhận mình là “người hát rong”, việc còn – mất cũng không quan trọng lắm.
Điều quan trọng với ông, theo thiển ý của tôi, là ra đi suốt một cuộc đời, rong ca suốt cả một đời, ông đã về an nghỉ trên quê hương. Nhưng âm nhạc Phạm Duy vẫn thao thức cùng “vận nước nổi trôi” chừng nào còn những người Việt Nam biết “yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”. |
Xem thêm tin bài liên quan:
• Nhạc sĩ Phạm Duy dùng âm nhạc để khơi dậy ‘tâm hồn Việt’ |
MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng (Sến Nương)