(Nghesiviet.info) – Dù dòng nhạc thị trường đang ngày càng hoạt động sôi nổi và lấn át đi những gì thuộc về nhạc trữ tình, nhạc quê hương thì Quang Linh – người con xứ Huế vẫn luôn trung thành và theo đuổi dòng nhạc dân ca đã ăn sâu vào “máu thịt” của mình.
Tiểu sử
Tên đầy đủ là Lê Quang Linh, sinh ngày 1 tháng 9 năm 1965 tại Quảng Trị, là một ca sĩ chuyên hát về dòng nhạc dân ca, đặc biệt là dòng nhạc Huế.
Tuổi thơ
Quang Linh sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, và anh là người con thứ sáu. Nhà đông con lại nghèo nên Quang Linh sớm đã phải lao động.
Cậu học trò Quang Linh khi ấy một mình phải đảm nhận rất nhiều việc vừa lo chuyện học hành, vừa chợ búa, cơm nước, giặt giũ cho cả nhà đến cả việc chăm sóc cháu nhỏ cho chị gái đi làm, chăm sóc cho một đàn heo, vậy mà cậu vẫn luôn là học trò giỏi. |
Cứ chiều chiều, bọn trẻ con khắp xóm lại tụ tập quanh nhà Linh để nghe hát. Quang Linh khi ấy mình trần quần đùi, một tay ôm guitar, tay kia đưa nôi hát ru cháu ngủ.
Những khó nhọc và thiếu thốn dần được bù đắp bằng những niềm vui tinh thần khi Quang Linh được cùng người anh thứ hai – Quang Sơn và người chị thứ tư – Ngọc Bích (lúc đó đã là ca sĩ ở Huế) làm thành một “ban tam ca” cùng nhau hòa giọng, hợp xướng vào những lúc rảnh rỗi.
Một lần, anh phụ trách Nhà Văn hóa Lao động đến nhà gọi Quang Sơn đi hát gấp cho một chương trình văn nghệ tại đây nhưng anh hai đi vắng, thế là anh phụ trách liền “tóm” luôn Quang Linh đi hát thay.
Mới đầu, Quang Linh còn rất nhát và sợ vì chưa được đứng hát sân khấu bao giờ nhưng thấy anh phụ trách nài nỉ quá nên Quang Linh nhận lời và chẳng ngờ được rằng lần đầu lên sân khấu lại được khán giả cổ vũ nồng nhiệt đến thế. |
Thế nhưng, sau khi biết chuyện, Quang Linh bị anh hai cảnh cáo về chuyện đi hát mà bắt tập trung học hành.
Một phần người anh ca sĩ thương em sẽ dấn thân vào cái nghiệp hát hò bởi tiền cát sê ca sĩ lúc ấy rất thấp, một buổi diễn có khi chỉ đủ ăn vài cái hột vịt lộn! Nhưng rồi sau đó, Quang Linh với vai trò giọng hát chính đã cùng ban nhạc của mình đoạt giải ban nhạc hay nhất trong cuộc thi các ban nhạc hay.
Sự nghiệp
Tuy nhiên, sau khi giành giải thưởng, Quang Linh nghe lời gia đình, theo học Trường Trung cấp Ngân hàng và làm việc tại Ngân hàng Công thương Huế.
Và rồi một lần nữa tại đây Quang Linh bộc lộ năng khiếu âm nhạc khi Quang Linh giành giải với hai ca khúc: Huế – tình yêu của tôi và Bác Hồ – một tình yêu bao la trong các hội diễn văn nghệ phong trào do Ngân hàng tổ chức.
Rồi khi cuộc thi có quy mô lớn hơn được tổ chức ngay tại Huế là “Cuộc thi giọng hát hay miền Trung, bạn bè đồng nghiệp cùng cơ quan lại xúi “giọng ca vàng” của đơn vị mình là Quang Linh đi thi và như mong đợi anh một lần nữa đoạt giải nhất với hai bài hát: Gửi Huế và Ngẫu hứng lý qua cầu.
Cuộc đời Quang Linh những tưởng sẽ gắn bó yên ổn với nghề nhân viên ngân hàng nếu như giảng viên Lô Thanh (Trường Âm nhạc Huế) không nhiệt tình giới thiệu anh đến “Nhạc hội Gala ba miền” tổ chức tại Hà Nội năm 1990. |
Đến với nhạc hội, Quang Linh được tiếp xúc, gần gũi với nhiều ca sĩ chuyên nghiệp thời ấy như Ái Vân, Ngọc Tân,… và nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả dành đến chàng ca sĩ trẻ tuổi và còn khá nghiệp dư.
Chính không khí rộn ràng và tình cảm của người hâm mộ ở các đêm gala đã khiến cho Quang Linh quyết định từ bỏ một công việc ổn định với nguồn thu nhập ổn định ở ngân hàng để dấn thân vào con đường ca sĩ chuyên nghiệp.
Sau khi kết hợp cùng bầu show Vũ Ân Khoa, Quang Linh trở thành một ca sĩ chạy show thường xuyên ở khắp các tỉnh phía Bắc và đến đầu năm 1996, Linh được mời về cộng tác chính thức tại Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long (Hà Nội).
Mặc dù không sở hữu ngoại hình xuất sắc nhưng bù lại, Quang Linh được trời ban cho chất giọng khá ngọt ngào đặc biệt, anh rất hợp với các ca khúc dân ca.
Những bài hát dân ca đã đem lại thành công và tạo thành thương hiệu cho Quang Linh có thể kể đến như: Chim sáo ngày xưa, Yêu nhau – ghét nhau, Con gái bây giờ, Xin đừng trách đa đa, Huế thương, Ca dao em và tôi, Gửi người em gái, Nỗi buồn gác trọ, Nửa đêm, Huế thương, Bài ca dao cho em,…
Có thể thấy giữa dòng chảy sôi động của dòng nhạc thị trường, chàng ca sĩ gốc Huế vẫn theo đuổi những ca khúc mang đậm chất dân ca. Chính Quang Linh cũng tâm sự, dòng nhạc quê hương đã gắn bó và trở thành máu thịt của mình, bởi vậy cho dù có “một mình một ngã” giữa bầu trời âm nhạc đa dạng như hiện nay, Quang Linh vẫn không thể dứt bỏ “máu thịt”, “nguồn cội” của anh.
Sau một khoảng thời gian “vắng bóng”, Quang Linh đã tái xuất trong vai trò mới khi là HLV cho các chương trình truyền hình như: Cặp đôi hoàn hảo, Thần tượng Bolero, Thần tượng tương lai…
Cuộc sống cá nhân
Dù đã bước sang tuổi 52 nhưng Quang Linh vẫn còn “lẻ bóng một mình” và khá kín tiếng trong chuyện tình cảm.
Quang Linh hát một bài mua được 4 căn nhà mặt tiền
Theo như ca sĩ Thu Phương, Quang Linh được người trong nghề gọi là ca sĩ “đại gia” bởi một bài anh hát có giá trị tương đương với 4 căn nhà mặt tiền.
Điều này chứng minh được sức hút của Quang Linh ngay cả khi dòng nhạc trữ tình bị lấn át bởi nhạc thị trường lấn át. Chàng ca sĩ gốc Huế vẫn đi nhận show đều đặn trong nước và hải ngoại, đồng thời tham gia các chương trình truyền hình.
Quang Linh một thời vướng phải scandal bị đồng tính
Quang Linh từng có một thời gian rất dài bị vướng phải tin đồn đồng tính, lúc đó anh chọn cách im lặng trước những lời đồn thổi mà chỉ tập trung vào sự nghiệp ca hát. Cũng từ đấy dường như Quang Linh “trầm” hơn, thận trọng hơn về câu chuyện đời tư cá nhân. Quang Linh ở hiện tại, chỉ là ở trên sân khấu, với những ca khúc và không có bất kỳ câu chuyện nào khác.
Có thể nói Quang Linh hiện nay là ca sĩ duy nhất theo dòng nhạc âm hưởng dân ca có chương trình riêng ở các phòng trà tại TPHCM và là một trong những ca sĩ được mời hát ở hải ngoại nhiều nhất. Việt kiều ở bất cứ đâu, nghe có Quang Linh là yêu cầu được nghe dân ca. |
Quang Linh lấy làm tự hào vì là người “sống được đàng hoàng” bằng dòng nhạc của chính quê hương mình chứ cần chạy theo xu hướng, thời thượng. Với anh, đi hát trước hết là để được hát, được mang lại cảm xúc cho chính mình và hạnh phúc vì được có người nghe.