Cố nhạc sĩ Xuân Hồng: Một trái tim lấp lánh tài hoa cùng những chặng xuân dạt dào sức sống

(Nghesiviet.info) – Nhạc sĩ Xuân Hồng – người con ưu tú của mảnh đất Nam Bộ, là một trong những nhạc sĩ tài danh, mẫu mực của cách mạng Việt Nam. Qua những giai điệu đẹp đẽ, ngập tràn sắc xuân, người nghe được đắm chìm trong dòng chảy cảm xúc bất tận.

Xuân Hồng – một tâm hồn trong trẻo, thăng hoa nghệ thuật giữa thời chiến

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân. Ông sinh ngày 12 tháng 12 năm 1928, tại Châu Thành, Tây Ninh. Sinh ra tại vùng đất kháng chiến kiên cường, bất khuất, trong ông dạt dào những ý niệm tươi đẹp về thời đại mới, về cách mạng toàn thắng – ngày mà nhân dân được sống trong tự do, độc lập và hạnh phúc.

Nhạc sĩ Xuân Hồng sinh ra tại mảnh đất Nam Bộ nghĩa tình.
Nhạc sĩ Xuân Hồng sinh ra tại mảnh đất Nam Bộ nghĩa tình.

Nhạc sĩ Xuân Hồng được nuôi dưỡng trong một gia đình làm nông. Cha ông vốn có niềm đam mê với nhạc đờn ca tài tử. Do đó, ông được cha cho học đàn từ rất sớm. Với khả năng thiên phú, Xuân Hồng khi mới 5 tuổi đã có thể thuộc lòng và chơi thành thạo các ca khúc nhạc cổ loại ngắn.

Giống như nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Bù lại, chính thực tiễn chiến tranh, lý tưởng cách mạng cao đẹp đã nuôi dưỡng và bồi đắp nên dòng âm nhạc của nguồn cội vốn được gieo rắc, ươm mầm từ lâu trong tâm hồn người nhạc sĩ tài năng.

Ông miệt mài tìm kiếm, cẩn trọng góp nhặt những chất riêng của hiện thực đem cất chúng vào trong từng nhạc phẩm của mình.

Xuân Hồng đi lính từ rất sớm. Ông tham gia kháng chiến khi chưa đầy 18 tuổi. Kể từ đây, những kỷ niệm đẹp nơi chiến trường đạn bom đã ghi dấu sâu đậm trong tâm khảm người chiến sĩ yêu nhạc.

Có súng dùng súng, có đàn dùng đàn. Xuân Hồng với trái tim nóng bỏng, nhiệt huyết luôn sẵn sàng cất vang tiếng hát cho các anh giải phóng quân ngay giữa chốn bom rơi đạn lạc.

Trong thời kỳ đóng quân tại chiến trường, ông viết rất nhiều ca khúc mang đậm màu sắc dân ca Nam Bộ. Trong đó, “Bài ca may áo” được xem là dấu son vàng, mở đầu cho những sáng tác bất hủ về tình yêu quê hương, đất nước của cố nhạc sĩ. Tác phẩm được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ghi dấu bước chuyển mình vượt bậc trong chặng đường sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Bài hát giúp ông chạm tay đến Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1965.

Ca khúc “Bài ca may áo” được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1961.
Ca khúc “Bài ca may áo” được nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác năm 1961.

Giây phút ông được giao nhiệm vụ thành lập Đoàn Văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam chính là cột mốc chói lọi, đánh dấu thời kỳ “trăm hoa đua nở” trên hành trình gắn bó với âm nhạc của người nhạc sĩ Nam Bộ.

Ở giai đoạn này, hàng loạt những sáng tác nổi tiếng của ông đã trở thành biểu tượng của dân ca Việt Nam, là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ xông pha nơi chiến trận mưa đạn, khói lửa bập bùng. Tiêu biểu trong số đó là những bài hát: “Xuân chiến khu”, “Chiếc khăn tay”, “Hành quân đêm”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”,…

Nếu như nói nhạc phẩm của Xuân Hồng là những bản ghi chép chân thực nhất về thời kỳ kháng chiến oanh liệt của dân tộc, thì ông chính là người thư ký cần mẫn dùng chất liệu âm nhạc để tái hiện sinh động bối cảnh đất nước.

Nhạc sĩ của mùa xuân – mùa trăm hoa đua nở

Nếu trong văn học, ánh trăng là nguồn cảm hứng lãng mạn cho thi sĩ thăng hoa cảm xúc, thì trong âm nhạc, mùa xuân chính là “linh hồn”, là đề tài vô tận để các nhạc sĩ thỏa sức đắm mình trong suối nguồn của ca từ và âm điệu.

Xuân Hồng cũng vậy. Người nhạc sĩ tài hoa ấy yêu mùa xuân và khát khao đắm chìm trong sắc xuân rạo rực nồng nàn.

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng thuở tham gia kháng chiến.
Cố nhạc sĩ Xuân Hồng thuở tham gia kháng chiến.

Người ta thường nói, cố nhạc sĩ có mối duyên nợ với mùa xuân. Quả thật không sai, cả gia tài sáng tác hơn 200 nhạc phẩm của ông có rất nhiều bài nhạc lấy mùa xuân làm đề tài thi triển cảm xúc như: “Xuân chiến khu”, “Gương mặt mùa xuân”, “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Bức ảnh mùa xuân”, “Thành phố vườn hoa bốn mùa”, “Nắng Sài Gòn”,…

Đặc biệt, các ca khúc “Xuân chiến khu”, “Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” và “Mùa Xuân bên cửa sổ” tuy ra đời tại thời điểm và bối cảnh khác nhau, nhưng cả ba đều phản ánh một nét tương đồng nổi bật. Đó chính là hiện thực chiến tranh tàn khốc, khắc nghiệt nhưng lại được lãng mạn hóa theo cách cực kỳ nên thơ và tươi trẻ dưới ngòi bút của cố nhạc sĩ.

Trong số đó, “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” được coi là nhạc phẩm xuất sắc, là “thiên hùng ca” trường tồn mãi với thời gian. Ca khúc là ký sự tái hiện những bước đi của anh giải phóng quân trong hành trình tìm về với mảnh đất Sài Gòn.

Bài hát ngân vang những giai điệu vui tươi, rộn ràng, là trái tim hào sảng, phơi phới tình yêu thiên nhiên hòa quyện cùng tình yêu đất nước nồng nàn, đằm thắm.

Mùa xuân qua lăng kính âm nhạc của ông hiện lên thật đẹp đẽ và tinh khôi. Nhắc đến mùa xuân, người ta nghĩ ngay đến biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, là vẻ đẹp dạt dào sức sống, là niềm khát vọng của con người.

Bởi lẽ đó, qua từng lời ca, nhạc sĩ Xuân Hồng muốn gửi gắm niềm tin, niềm lạc quan vào một mùa xuân đại thắng. Chính vì vậy, người yêu nhạc gọi ông bằng cái tên thân thương: Nhạc sĩ của mùa xuân.

Bản nhạc phổ của ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bản nhạc phổ của ca khúc “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”.

Người nhạc sĩ tài hoa về với cõi vĩnh hằng

Ngày 14 tháng 5 năm 1996, nhạc sĩ Xuân Hồng về cõi vĩnh hằng. Ông ra đi để lại cho dân tộc gia tài sáng tác đồ sộ, là tư liệu lịch sử về những năm tháng kháng chiến hào hùng. Những nhạc phẩm bất hủ của ông vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân đất Việt. 

Cố nhạc sĩ Xuân Hồng – một trái tim lạc quan, cao cả, đã yêu đến tận cùng nhân dân, quê hương, tổ quốc, tận hiến tài hoa cho âm nhạc đến giây phút cuối cùng, thổi bùng lên ngọn lửa khát vọng về ngày đại thắng.

Nhạc sĩ Xuân Hồng - người nhạc sĩ tài hoa, đáng kính của nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Xuân Hồng – người nhạc sĩ tài hoa, đáng kính của nền âm nhạc Việt Nam.

Với những đóng góp và cống hiến to lớn cho nghệ thuật và cách mạng nước nhà, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 và Huân chương Độc lập năm 2004.

Có thể nói, những sáng tác của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã vượt ra khỏi khuôn thước của âm nhạc thuần túy. Không chỉ là nhạc sĩ yêu mùa xuân, ông còn là nghệ sĩ tài hoa khi sử dụng chính những rung cảm nghệ thuật để họa nên bức tranh âm nhạc đầy sống động về những năm tháng kháng chiến bất khuất, lẫy lừng của dân tộc.

Tiểu sử cố nhạc sĩ Xuân Hồng

• Họ và tên: Nguyễn Hồng Xuân
• Nghệ danh : Xuân Hồng
• Sinh ngày: 12 tháng 12 năm 1928
• Mất ngày: 14 tháng 5 năm 1996 (68 tuổi)
• Nơi sinh: Tây Ninh
• Quốc tịch: Việt Nam
• Nghề nghiệp: Nhạc sĩ
• Tuổi nghề: 1949 – nay

Tiểu Sử – Người Nổi Tiếng

Tác giả Đặng Xuân Tới

“Viết tử tế - viết thật hay, hoặc là không viết”
Câu nói đó tôi đã tự đặt ra và coi là giới hạn, là chuẩn mực theo đuổi của bản thân mình mỗi khi viết. Cảm ơn bạn vì đã ghé thăm bài viết của tôi trên Tạp chí điện tử Người Nổi Tiếng.

Ca sĩ Nguyễn Đăng Khoa ra mắt MV tri ân quê cha đất tổ

Doanh nhân Nguyễn Gia Long và câu chuyện truyền cảm hứng ‘khởi nghiệp’ cho giới trẻ